Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong ngày hôm qua (18/10), ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có mưa to đến rất to, nhiều nơi mưa đặc biệt to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm như Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) 586,8mm, TP Hà Tĩnh 364mm, Trường Xuân (Quảng Bình) 393,6mm, Vạn Trạch (Quảng Bình) 282,4mm.
Tại Hà Tĩnh, những ngày qua, địa phương này có mưa vừa, mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Tổng lượng mưa tính từ ngày 15/10 đến 18/10 tại các khu vực trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 116 - 253mm, có nơi cao hơn như: Hương Trạch 363mm, Chu Lễ 382mm, Hòa Duyệt 395cm, Thạch Đồng 313mm, TP Hà Tĩnh 367mm, Hương Khê 322mm. Lũ trên sông Ngàn Sâu đang tiếp tục lên.
Trước nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, UBND huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành di dời hàng nghìn hộ dân vùng hạ du Kẻ Gỗ, gồm các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Quan, Cẩm Thạch… đến nơi an toàn.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Thực hiện công điện khẩn của tỉnh Hà Tĩnh về việc hồ Kẻ Gỗ thực hiện xả lũ, để đảm bảo an toàn cho người dân các xã vùng hạ du, chính quyền địa phương đã phối hợp tuyên truyền vận động người dân ở các khu vực xung yếu, những nơi nước dâng cao di dời đến nơi an toàn".
Trong khi đó, tại Quảng Bình, tính đến 21h ngày 18/10, lũ lịch sử khiến 57.057 nhà dân bị ngập lụt; 213 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Lực lượng chức năng di dời hàng ngàn người dân ra khỏi vùng ngập nặng, đến nơi tránh trú an toàn.
Theo thống kê bước đầu, tại huyện Lệ Thủy, mực nước sông Kiến Giang dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 là 59cm đã làm ngập lụt hơn 30.000 nhà dân tại địa phương này. Tập trung tại các xã: Xuân Thủy, Lộc Thủy, Mỹ Thủy, thị trấn Kiến Giang…., một số nơi bị ngập từ 0,5 - 2,5m.
Huyện Quảng Ninh là địa phương bị ngập nặng thứ 2 của tỉnh Quảng Bình khi có tới 13.067 nhà dân bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh và các xã ven sông Long Đại.
Nước sông Gianh đang trên mức báo động 3 - đã làm gần 5.000 nhà dân ở khu vực hạ lưu bị ngập lụt nặng nề, tập trung ở 9 xã ở vùng nam thị xã Ba Đồn, như: Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Trung….
Các địa phương khác như: Huyện Bố Trạch có hơn 3.000 nhà, huyện Tuyên Hóa có 615 nhà, huyện Minh Hóa gần 1.000 nhà dân, huyện Quảng Trạch hơn 2.000 nhà dân bị ngập.
Đêm qua (18/10), lũ lên rất nhanh nhấn chìm nhiều làng mạc, nhà cửa và cô lập nhiều nơi khiến dân Quảng Bình không kịp trở tay, phải lên mạng cầu cứu.
Một xe khách chạy tuyến Nam Định - Đà Nẵng, chở theo 20 hành khách bị nước lũ cuốn trôi lúc 0h ngày 19/10 ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được lực lượng cứu hộ phải xuyên đêm ứng cứu.
Tại Quảng Trị, mặc dù nước lũ đang rút nhưng nhiều nhà dân vẫn ngập sâu nên các gia đình tiếp tục thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn.
Đơn cử, tại phường 4 (TP Đông Hà) có khoảng 85 hộ bị ngập sâu, nhiều hộ phải di dời lên khu vực nhà dân bên đường để trú ẩn.
Theo người dân ở khu phố 2, phường 4, TP Đông Hà, lũ năm nay lớn và kéo dài hơn các năm. Lũ lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp, nhiều tài sản bị nhấn chìm trong nước gây thiệt hại nặng nề.