Vừa có chuyến du lịch dài ngày tại Việt Nam, nữ du khách người Mông Cổ - Batjargal Munkhmandakh cho biết đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa là một nguồn cảm hứng đặc biệt cho người Mông Cổ. Ngoài ra các yếu tố khác thu hút du khách đến Việt Nam là các quy định visa thuận lợi, mức giá phải chăng, cùng với các khu nghỉ dưỡng và dịch vụ hướng đến nhóm khách gia đình, cung cấp nhiều hoạt động phù hợp với cả chuyến thăm ngắn ngày và kỳ nghỉ dưỡng thư giãn.
Với sự hỗ trợ của của công ty du lịch Adavigo, chị Batjargal Munkhmandakh đã đến thăm nhiều điểm đến từ Bắc xuống Nam. "Tôi đã có cơ hội du lịch qua hơn 20 quốc gia và hơn 100 thành phố ở các khu vực khác nhau. Du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, rất nhiều sản phẩm du lịch phong phú tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Bình và Phú Quốc. Đặc biệt, đảo Phú Quốc đã trở thành một điểm đến phổ biến đối với du khách Mông Cổ trong vài năm qua. Mỗi điểm đến mang đến những trải nghiệm đặc sắc, kích thích các giác quan và giúp hiểu sâu hơn về di sản văn hóa phong phú của từng vùng miền".
Tính đến hết tháng 11/2024, lượng khách Mông Cổ đến Việt Nam khoảng 25.000 người; xấp xỉ lượng khách cả năm 2023 vào khoảng 26.000 người. Đáng chú ý trong tháng 12/2024, hợp tác du lịch Mông Cổ và Việt Nam đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.
Ngày 10/12/2024, tại sân bay quốc tế Chinggis Khaan (Ulaanbaatar, Mông Cổ), Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Mông Cổ - Nguyễn Tuấn Thanh đã tham dự lễ khai trương chuyến bay thương mại đầu tiên từ Ulaanbaatar đến TP.HCM, do Hãng hàng không quốc gia Mông Cổ (MIAT Mongolian Airlines) khai thác.
Tiếp đó, ngày 13/12/2024, Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh tham dự lễ khai trương các chuyến bay từ Ulaanbaatar đến Nha Trang và Phú Quốc do công ty Cruise Tour (Mông Cổ) phối hợp với Hãng hàng không Vietjet Air (Việt Nam) cùng khai thác.
Khẳng định ý nghĩa của các đường bay mới trong việc thắt chặt quan hệ song phương, Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh cho biết các đường bay trực tiếp sẽ là những "cây cầu" kết nối hai dân tộc, góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Không chỉ rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian di chuyển, các đường bay còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách, thúc đẩy các hoạt động trao đổi kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Chuyến bay Ulaanbaatar - TP.HCM và chuyến bay Ulaanbaatar - Phú Quốc đang được khai thác với tần suất từ 2 đến 3 chuyến/tuần. Chuyến bay Ulaanbaatar - Nha Trang được khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần, ngoài ra đường bay Ulaanbaatar - Hà Nội được mở hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của du khách hai nước. Từ các chuyến bay này, nhiều khách sạn, doanh nghiệp du lịch đã duy trì đón các đoàn khách Mông Cổ chi tiêu cao và lưu trú dài từ 7 - 14 ngày tại Phú Quốc hay Nha Trang.
"Khách Mông Cổ thích biển và nghỉ dưỡng, có nhu cầu mua sắm và sẵn sàng chi tiêu, thường du lịch theo nhóm gia đình nhiều thế hệ. Nắm được nhu cầu này, các khách sạn như Melia Vinpearl Phú Quốc, Melia Vinpearl Nha Trang Empire đã đón tiếp rất đông khách Mông Cổ trong thời gian gần đây. Mức chi trả cao và xu hướng lưu trú dài ngày của dòng khách Mông Cổ đem lại doanh thu đáng kể cho khách sạn và các hoạt động du lịch ở địa phương. Đây là thị trường rất tiềm năng cho ngành du lịch Nha Trang, Phú Quốc nói riêng và cho Việt Nam nói chung", ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Kinh doanh vùng miền Nam của Melia Vinpearl chia sẻ với VOV.VN.
Đẩy mạnh thu hút khách Mông Cổ đến Việt Nam
Bà Batjargal Munkhmandakh cho biết, hiện nay, hơn 15% dân số Mông Cổ tham gia vào các chuyến du lịch quốc tế. Xét về xu hướng du lịch, trải nghiệm của Mông Cổ cũng phù hợp với tầm nhìn phát triển du lịch của Việt Nam. "Việt Nam và Mông Cổ có mối quan hệ ngoại giao lâu đời, được kỳ vọng sẽ ngày càng bền chặt trong tương lai thông qua các hợp tác song phương. Tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ được thúc đẩy qua hoạt động du lịch giữa hai nước".
Theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ cũng như các doanh nghiệp, các điểm đến du lịch Việt Nam ngày càng được yêu thích tại Mông Cổ. Các doanh nghiệp đối tác Mông Cổ đánh giá TP.HCM là một trong những điểm đứng đầu về kinh tế, du lịch, công nghiệp của châu Á; trong khi Nha Trang, Phú Quốc là những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển vượt bậc, được đánh giá là điểm đến hấp dẫn ví như “Siêu điểm đến” trong Đông Nam Á - nơi mà du khách Mông Cổ thích đi nhất. Việc mở các chuyến bay thẳng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế và du lịch giữa Mông Cổ và Việt Nam.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã tích cực quảng bá về du lịch Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người, di sản thiên nhiên, văn hóa của Việt Nam đến người dân Mông Cổ bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức, tham gia các hội chợ về du lịch, ẩm thực để quảng bá về du lịch, ẩm thực Việt Nam; tổ chức triển lãm tranh, ảnh về đất nước, con người Việt Nam; giới thiệu các video, clip quảng bá về du lịch, đất nước Việt Nam nhân dịp các sự kiện lớn do Đại sứ quán tổ chức như Lễ Quốc khánh, Lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mông Cổ...
Bên cạnh đó, để góp phần duy trì các đường bay thẳng, tạo thuận lợi cho du lịch, giao thương; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Mông Cổ đã gặp, làm việc với Đại sứ các nước Nga, Ấn Độ về việc tìm nguồn khách từ Nga qua Mông Cổ đến Việt Nam, cũng như nguồn khách từ Ấn Độ qua Việt Nam đến Mông Cổ và được sự hưởng ứng tích cực của Đại sứ các nước Nga, Ấn Độ.
Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã tổ chức các buổi làm việc 3 bên với Đại sứ Ấn Độ và hãng hàng không Aero Mongolia; đồng thời đã kết nối các hãng hàng không của Mông Cổ như MIAT Mongolian Airlines, Aero Mongolia với các hãng hàng không của Việt Nam để hợp tác trong việc chia sẻ nguồn khách, duy trì đường bay thẳng giữa hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ cũng đóng vai trò tích cực trong việc vận động, hỗ trợ, kết nối để hai nước ký Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông giữa Việt Nam và Mông Cổ (có hiệu lực từ tháng 3/2024). Tích cực kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ, trong đó có nhiều doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, thương thảo, ký kết hợp tác trao đổi khách du lịch hai chiều.