Máy bay chở khách C919 do Trung Quốc chế tạo và cuộc cạnh tranh với Mỹ

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Asia Times | 03/06/2023, 07:36

Trung Quốc chế tạo máy bay chở khách C919 để cạnh tranh với hãng lớn của phương Tây là Boeing và Airbus. Thế nhưng máy bay này được cho là có dựa vào các linh kiện và hệ thống của Mỹ khiến máy bay có thể gặp khó khi ra thị trường toàn cầu.

Sự kiện chấn động

Máy bay chở khách Comac C919 của Trung Quốc thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ Thượng Hải đến Bắc Kinh vào ngày 28/5/2923, hoàn thành quá trình thẩm định, phát triển và sản xuất máy bay này từ năm 2007. 

China Eastern Airlines - hãng hàng không địa phương, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của Comac C919. Hãng nhận chuyển giao máy bay C919 vào tháng 12/2022. Chiếc máy bay có tầm bay ngắn và vừa này dự kiến sẽ sớm cạnh tranh trực diện với máy bay Airbus A320 và Boeing 737 về mặt doanh thu địa phương và trên thị trường toàn cầu.

Một hành khách nói với tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc: “Tôi rất phấn khích được là một trong các hành khách đầu tiên bay bằng C919. Tôi tự hào rằng Trung Quốc giờ đã có được ngành công nghiệp chế tạo máy bay hiện đại đến vậy”.

Tờ Nhật báo Bắc Kinh tuyên bố hãnh diện: “Sau các nỗ lực trong nhiều thế hệ, chúng ta cuối cùng đã phá vỡ thế độc quyền hàng không của phương Tây”.

Vẫn là bước tiến lớn

Giới phê bình của phương Tây nhanh chóng nhận ra rằng động cơ, hệ thống điện tử và các thành tố chủ chốt khác trên chiếc C919 đều được lấy từ các nhà cung cấp Mỹ và châu Âu. Tờ Nhật báo Phố Wall đưa tin rằng C919 “đối mặt với hành trình gian nan để đến được thành công”.

Nhưng việc Comac (một tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc) lắp ráp một máy bay chở khách hiện đại cũng vẫn đánh dấu một thành tựu lớn cho Trung Quốc.

Để so sánh, dự án máy bay Mitsubishi Regional Jet của Nhật Bản, cũng được công bố vào năm 2007, có nhiều bước thụt lùi và đã bị hủy vào tháng 2/2023.

Hãng Airbus đi trước Boeing một chút trên thị trường Trung Quốc cách đây một thập kỷ. Nhưng khoảng cách đã đột ngột mở rộng vào năm 2019 sau khi hai chiếc máy bay Boeing 737 MAX bị rơi ở Indonesia và Ethiopia do lỗi phần mềm kiểm soát bay.

Năm 2022, Airbus cung cấp hơn 100 chiếc máy bay ở Trung Quốc, còn Boeing giao hơn 90 chiếc. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc có vẻ góp phần khiến Boeing tụt hạng ở Trung Quốc trong khi Airbus không gặp vấn đề như vậy.

Airbus hiện chiếm hơn 50% máy bay thương mại đang hoạt động ở Trung Quốc. Hãng này có vẻ duy trì hoặc tăng thị phần của mình với việc thiết lập một dây chuyền lắp rắp A320 thứ 2 ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Thỏa thuận cho dự án trên đã được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào đầu tháng 4. Tổng giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury là một trong số khoảng 60 lãnh đạo doanh nghiệp Pháp tháp tùng ông Macron.

Thách thức đang đợi chờ C919 từ phía Mỹ

Mặc dù 737 MAX đã được sử dụng trở lại và hãng China Southern Airlines được cho là đang xây dựng kế hoạch đặt hàng thêm 103 máy bay mới của Boeing (và 111 chiếc của Airbus), dữ liệu từ Aviation Week cho thấy có đơn đặt hàng đối với 697 chiếc C919, hầu hết trong số đó là của các hãng hàng không Trung Quốc và các công ty cho thuê.

Nếu cứ tiếp tục đà này, có khả năng Comac sẽ mau chóng soán vị trí của Boeing để trở thành nhà cung cấp máy bay thương mại lớn thứ 2 ở Trung Quốc.

Dĩ nhiên điều trên sẽ phụ thuộc vào việc liệu Comac có thể lắp rắp được hàng trăm máy bay kịp thời để giao hàng đúng kế hoạch trong khi tránh được các vấn đề về chất lượng hay gặp phải ở máy bay của Boeing. Hồi tháng 4, Boeing tiết lộ rằng việc giao một số máy bay 737 MAX đã bị trì hoãn do vấn đề chất lượng tại nhà thầu phụ của Mỹ là Spirit AeroSystems.

Chính phủ Trung Quốc muốn C919 chiếm 10% thị trường máy bay thương mại nội địa của Trung Quốc vào năm 2025. Năm năm tới, Comac muốn sản xuất 150 chiếc C919 mỗi năm. Có thông tin nói rằng hãng China Eastern sẽ tiếp nhận chiếc C919 đầu tiên của mình vào tháng 6 này.

Tuy nhiên, người ta quan ngại Bộ Thương mại Mỹ có thể cố gắng ngăn C919 được cất cánh, bằng cách áp thêm các hạn chế mới về xuất khẩu đối với các nhà cung cấp Mỹ.

Vào tháng 1/2021, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này đưa Comac vào danh sách các công ty thuộc sở hữu của quân đội Trung Quốc hoặc do họ kiểm soát. Kết quả là, đầu tư của Mỹ ở Comac đã bị cấm.

Vào tháng 4/2023, các thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Rick Scott gửi thư cho Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách công nghiệp và an ninh Alan Estevez, phàn nàn về việc bộ này chưa đưa Comac vào danh sách người sử dụng đầu cuối quân sự (MEU). Các nghị sĩ này cho rằng Comac tạo ra nguy cơ cho an ninh quốc gia của Mỹ./.

Bài liên quan
Nhiều đường bay nội địa 'cạn' vé dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Theo Cục Hàng không, tính đến ngày 19/4 (1 tuần trước ngày bắt đầu kỳ nghỉ 30/4 -1/5), tính chất di chuyển “lệch đầu” của vận tải hàng không đã hình thành rõ nét.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất