Được gán nhãn 18+, "Thành phố ngủ gật" là một thể loại lạ của điện ảnh Việt khi không chỉ thuộc chủ đề tâm lý, giật gân, mà còn mang lại nhiều ám ảnh về kiếp người. Trước khi ra mắt khán giả Việt, phim vào vòng đề cử Grand Prix cho phim truyện xuất sắc tại Liên hoan phim Đêm đen Tallinn (Estonia), vào hạng mục Soul of Asia tại Liên hoan phim quốc tế Ấn Độ, chiếu tại một số giải khác ở Ấn Độ, Canada.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lương Đình Dũng về quá trình “thai nghén” nên bộ phim điện ảnh được miêu tả ngay trong trailer - “Bộ phim kỳ lạ và đen tối của Việt Nam”.
Dấn thân vào con đường “cũ người mới ta”
PV: Số lượng phim thể loại tâm lý tội phạm của điện ảnh Việt khá ít ỏi. Không nhiều phim tạo được hiệu ứng tốt trong khán giả và có được thành công doanh thu lẫn nghệ thuật. Vậy tại sao anh lại chọn con đường khó khăn này?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Về bản chất của làm nghề thì luôn luôn khám phá, tức là làm những gì mà mình cảm thấy chưa được hoặc có ý muốn làm. Tuy nhiên, người đạo diễn cũng phải xác định được đề tài nào mình làm được thì mình mới dám dấn thân vào.
Với thể loại phim tâm lý tội phạm, tuy cách dàn dựng không quá phức tạp nhưng dàn dựng tâm lý cho nhân vật lại rất khó khăn.
Nhiều khi, thể loại này cứ tự động ràng buộc vào bản thân mình. Tôi thích khám phá, muốn làm để học hỏi thêm và muốn mang đến cho khán giả nhiều cảm giác mới lạ.
PV:Trong quá trình làm phim, anh đã phải đối mặt với những khó khăn nào?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Điều mà tôi lo lắng nhất khi làm bộ phim này là liệu câu chuyện có đi tới hay không, bởi nếu thể hiện nội dung một cách quá bạo lực có thể gặp khó khi kiểm duyệt, nhưng nếu làm không tới, người xem sẽ thấy không thỏa mãn.
PV:Có nhiều phim Việt đoạt giải ở Liên hoan phim Quốc tế nhưng khi về chiếu ở Việt Nam lại không được khán giả đón nhận. Anh có chuẩn bị trước tâm lý nếu điều đó xảy ra với phim của mình?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Trong cuộc đời làm phim của mình, tôi mong muốn ba điều. Một là muốn kể các câu chuyện Việt Nam một cách đầy đủ. Hai là muốn thể hiện tâm tư suy nghĩ cá nhân. Ba là tôi luôn đứng về phía nhân vật yếu thế hơn.
Nhiều khi mọi người cứ nói phim nghệ thuật kén người xem nên vô hình trung trở thành một định kiến đối với người xem. Đôi lúc người ta cứ nghĩ phim nghệ thuật khó xem, thành ra lại tạo nên hành lang. Khi đi vào khu ổ chuột, người làm phim vẫn nhìn thấy các góc đẹp, đấy là nghệ thuật giúp chúng ta nhìn ra điều đó.
Nếu phim lỗ sẽ nghỉ làm đạo diễn
PV: Trong hành trình làm phim của anh có nhiều bộ phim thành công nhưng cũng có bộ phim không thành công về mặt doanh thu như kỳ vọng. Vậy điều nào thôi thúc khiến anh tiếp tục hăng say làm việc?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi nghĩ tôi không lỗ đâu. Với tôi, phía sau việc làm nghệ thuật, tôi là một người khá năng động. Tôi không bao giờ dừng việc lao động đó. Như “578: Phát đạn của kẻ điên”, tôi vẫn có cách để đưa tác phẩm này vào thị trường Ấn Độ. Thông thường phim nước ngoài vào được Ấn Độ rất khó.
Đến bây giờ, tôi nghĩ phim này hòa vốn, hoặc có thể đã có lãi. Chúng tôi có ký một thỏa thuận trong vòng 4 đến 5 năm khai thác ở Châu Âu, ký với 70 nước phát hành. Giống như việc phải đặt cọc tiền, họ phải trả cho tôi một khoản cho thỏa thuận khai thác đó.
Hiện tại vẫn chưa tổng kết được doanh thu nhưng tôi cứ thu dần mỗi năm một lần. Thực ra làm cái gì cũng phải đầu tư, đi mua một cái vé số thì cũng phải mất 10.000 đồng một tối mới có hy vọng (cười).
Đã làm phim, đến các hãng lớn trên thế giới cũng không thể tính được. Với tôi, khi làm hết sức thì những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Tôi phải khẳng định như thế này là từ phim này trở đi là không được phép lỗ vì nếu lỗ là không làm phim được và không nên làm nữa. Nếu thấy lỗ là sẽ không nhìn thấy tôi làm phim mà chuyển sang làm sản xuất, chứ không làm đạo diễn nữa.
Việt Nam đã thoáng hơn trong khâu kiểm duyệt
PV: Hành trình kiểm duyệt bộ phim có nhiều gian nan và phải cắt xén nhiều so với bản gốc không anh?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Kiểm duyệt cũng rất là khó. Tôi cũng không nghĩ rằng là bộ phim có thể qua được. Và may mắn được Cục Điện ảnh và mọi người ủng hộ phim Việt.
Thực ra, kiểm duyệt ở đâu cũng vậy thôi, ở đâu cũng cần có quy định và đó là điều đương nhiên. Ở Việt Nam như vậy là thoáng rồi. Tôi phải nói rằng Cục Điện ảnh khá ủng hộ cho phim Việt và rất cởi mở. Việc để “Thành phố ngủ gật” ra rạp là một áp lực của Cục Điện ảnh. Nhưng đây là một sự ủng hộ đáng trân trọng đối với phim Việt Nam. Nếu bộ phim này mà ở Liên hoan phim Trung Quốc là không được chiếu đâu. Đó là sự thật.
Phim này tôi dựng khoảng 20 bản trước khi ra bản cuối cùng. Phim đầu tay tôi thừa tới hơn 20 phút nhưng phim này chỉ thừa khoảng hơn 1 phút. Phim chỉ bị cắt ít, còn lại 73 phút khi ra rạp. Tính tôi cẩn thận, việc dựng phim cũng khá lâu. Ekip làm hậu kỳ bên Hàn Quốc, có những khâu gần như họ ủng hộ. Mặc dù có 5 nhân vật chính nhưng để hoàn thành bộ phim là ekip lên tới cả trăm người.
Khi kiểm duyệt, bộ phim cũng phải cắt sửa một vài lần. Chỉ cắt đi một chút so với bản gốc thôi, khoảng trên dưới 1 phút nhưng lại thêm một chút, tức là cắt đi cái này nhưng lại thêm một cái khác. Nó vẫn giữ được sự thú vị.
Mạo hiểm cùng những gương mặt mới
PV: Việc lựa chọn dàn diễn trong bộ phim không phải ngôi sao, thậm chí là có những người không có kinh nghiệm diễn xuất, theo anh, đây có phải sự mạo hiểm không? Anh có kỳ vọng gì ở những gương mặt mới?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi không thích xem phim mà một diễn viên cứ đóng đi đóng lại. Tôi nghĩ rằng chỉ có dàn diễn viên mới mới tải được câu chuyện, mới là đáng tin. Bởi vì người hội tụ đủ tiêu chuẩn của tôi chắc trong giới diễn viên không ai có. Ngoài hình thể, tôi cần họ luyện tập những thói quen mang tính chất nghiện ngập, sử dụng rượu bia thường xuyên. Tôi nghĩ họ không làm được đâu.
Diễn viên Đức Trí và Tuế có lối diễn không kiếm được. Nó cứ câng câng kiểu gì đấy mà mình không thể điều khiển được. Do đó, việc tìm diễn viên trông vậy thôi chứ lâu lắm. Tôi phải hoãn cả quay vì diễn viên đấy. Tìm được cậu này ưng rồi nhưng khi diễn thử thì không được nên lại phải hoãn quay mấy tháng, đến khi tìm được diễn viên mới quay tiếp.
Về việc đào tạo diễn viên, đặc biệt là những bạn chưa có kinh nghiệm diễn xuất, tôi đã áp dụng một bài học từ thầy giáo tôi. Đó là, đối với diễn viên có kinh nghiệm, tôi sẽ coi họ như một đứa trẻ biết chữ. Đối với người chưa có kinh nghiệm, tôi sẽ coi họ như đứa trẻ chưa biết chữ. Tuổi tác không phải là vấn đề vì trên thế giới có người 56 tuổi họ vẫn diễn rất tốt mà.
Vì vậy, tôi sẽ dùng nhiều phương pháp để đào tạo như kể chuyện, mô tả, diễn giải bằng tranh ảnh, âm nhạc. Ví dụ như Quốc Toàn, tôi bắt nghe các bản nhạc khá mụ mị, cứ đến là bắt phải nghe. Nghe xong thì đầu óc cũng mụ rồi, ra hiện trường bảo tỉnh cũng không tỉnh được, vì bị tôi bắt ốp nhạc vào tai nghe rất lâu. Tiếp đó là tôi cho Quốc Toàn ngồi trước bức tranh và ngồi nhìn chậu máu. Nó làm cho Quốc Toàn trở nên dữ dội hơn, ám ảnh hơn.
PV: Ấn tượng của anh về những diễn viên được chọn là gì?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Hầu hết các diễn viên trong phim này là để lại cho tôi một ấn tượng mạnh.
Diễn viên chính Quốc Toàn trông như là diễn viên ngôi sao Hàn Quốc đẹp trai, tựa như sát thủ mang gương mặt trẻ thơ. Lúc đẹp, hấp dẫn như tài tử nhưng khi điên lên thì mình tin đó là một sự điên thật. Quốc Toàn đã làm được việc đó. Mặc dù casting trượt đi, trượt lại. Có những lúc tôi phải nói là “Toàn ơi thôi đi”. Tôi còn không cho đến casting vì chán lắm rồi nhưng bạn ấy hay gửi video diễn xuất cho tôi xem. Cuối cùng, tôi chọn Toàn vì cảm động trước nỗ lực đó.
Nói không với “Hy sinh vì nghệ thuật”
PV: Sau khi diễn viên phải hy sinh cho vai diễn như thế, phải chịu đựng những trạng thái cảm xúc như thế thì họ được đền đáp gì?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Đối với tôi, nếu nói diễn viên phải hy sinh như thế thì hơi bị quá. Được cống hiến cho nghệ thuật thì không nên dùng từ hy sinh. Đó là một phần công việc và trong đó có cả sự may mắn nữa. Diễn viên thậm chí phải cắt tóc để làm tròn vai diễn, đó cũng là bình thường.
Ví dụ như sau thành công của vai diễn trong phim này, Quốc Toàn đã rất may mắn. Thậm chí, tôi còn nghe nói Quốc Toàn sau vai diễn này là đã từng để báo công với mẹ rằng con đã làm được. Tôi nghĩ, trong quá trình làm việc mà tôi dữ tính hơn thì Quốc Toàn có thể trở thành một diễn viên giỏi hơn và làm cái gì cũng chẳng màng. Và phải nói đó là một sự tàn khốc, còn với tôi sẽ không bao giờ gọi đó là hy sinh đâu. Đó là công việc mà.
Tôi đã từng mắng một diễn viên một trận. Tức là có cháu bé 6 tuổi dám lội xuống sống và tất nhiên có bảo hộ an toàn. Nhưng bạn diễn viên, người mẫu đó cứ lòng vòng không xuống. Tôi nói rằng: “Bé 6 tuổi nó còn lội xuống, có tí bùn em lại sợ bẩn chân không xuống, em muốn làm diễn viên thì xuống, không thì đi về”.
Hé lộ về bộ phim cuối cùng
PV:Kế hoạch tiếp theo của anh sau “Thành phố ngủ gật” là gì?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi sẽ làm một bộ phim cuối cùng nữa nếu còn sức khỏe. Hiện tại, mới có kịch bản phim. Những cảnh phim dự kiến sẽ quay toàn bộ dưới nước, tất cả các nhân vật sống ở dưới nước, câu chuyện ở dưới nước và nói về phụ nữ. Và vì sao phụ nữ lại nói chuyện dưới nước thì tôi lại có một cái cách lý giải riêng mang tính cá nhân riêng.
PV:Tại sao anh nghĩ đó là bộ phim cuối cùng của mình?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Bởi vì tôi nghĩ khi thực hiện bộ phim đó sẽ phải đốt toàn bộ sức lực vì phim đó quá lớn và chắc có lẽ sẽ dài và hội tụ tất cả kỹ năng làm phim của tôi.
Nếu làm xong phim đó chắc phải nghỉ vài năm mới bỏ được chứ còn không sức lực sẽ tiêu tốn hết. Nhưng mà chắc phải chục năm nữa mới thực hiện bộ phim đó vì mới có kịch bản thôi.
PV:Xin cảm ơn anh!