Liệu nhân sự trẻ có nhiều cơ hội việc làm trong ngành công trình giao thông

Hồng Lĩnh/VOV-Giao thông | 02/01/2024, 18:13

Dự báo tới năm 2030, tỷ lệ dân số sống tại khu vực đô thị Việt Nam đạt 50% (so với 42% năm 2023). Các đô thị cần một lượng lớn nhân sự để xây dựng mới hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cấp cải tạo, vận hành khai thác hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Đường sắt đô thị cần gần 10.000 nhân sự

Là kỹ thuật viên lái tàu điện và là nữ lái tàu duy nhất của tuyến metro số 1, chị Phạm Thu Thảo có mặt trên chuyến tàu từ Ga Bến Thành về Ga Suối Tiên trong buổi tuyến đường sắt Metro số 1 chạy thử toàn tuyến.

Gác lại công việc giáo viên sau 11 năm, chị Thảo tham gia lớp Trung cấp lái tàu điện, trường Cao đẳng Đường sắt: “Hiện tại tôi rất tự tin vì đã có quãng thời gian thực tập tại tuyến đường sắt 2A và ngồi vào vị trí lái tàu. Tôi có cảm giác phấn khích khi cầm lái và làm chủ được tốc độ.

Lớp tôi có 58 lái tàu thì chỉ duy nhất có tôi là nữ. Thường nghe công việc lái tàu thì mọi người sẽ nghĩ đến nam thôi. Tôi cũng có một chút áp lực, nhưng bản thân cũng phải cố gắng nhiều hơn, vì đây cũng là công việc đầu tiên ở Việt Nam”.

Ông Trần Đăng Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết, hiện nay, việc tuyển dụng nhân sự chuẩn bị cho việc khai thác vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang được đơn vị triển khai theo ba nhóm: Nhân sự trực tiếp vận hành, nhân viên bảo trì, nhân sự làm công tác quản lý.

Về nhân viên trực tiếp vận hành do tư vấn chung NJPT chịu trách nhiệm đào tạo. Hiện nay, 86 nhân sự gồm có 58 lái tàu, 19 nhân viên điều độ và 9 trưởng ga đã được trường Cao đẳng Đường sắt hoàn thành khóa đào tạo tổng thể về đường sắt đô thị và đã tổ chức thi tốt nghiệp.

Ông Thành chia sẻ, 2 năm trước, việc tuyển dụng các ứng viên gặp nhiều thách thức: “Vào 2 năm trước khi công ty tuyển dụng thì số lượng các ứng viên, nhân sự tham gia ứng tuyển thì không nhiều nhưng năm 2023, số lượng ứng viên, nhân sự tham gia ứng tuyển dồi dào.

Vừa qua, chúng tôi đã tuyển dụng được 142 nhân viên nhà ga phụ trách an toàn hành khách. Số lượng này gấp hơn 1,6 lần so với số lượng tuyển dụng 2 năm trước đây”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm, Trưởng bộ môn Đường sắt - Metro - Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM (Đại học GTVT TP.HCM), riêng tuyến Metro số 1 với 20km đường sắt đô thị, nhân sự phục vụ vận hành gần 600 người, trong giai đoạn xây lắp nhân sự phục vụ quản lý dự án gần 100 người, nhân sự tại các nhà thầu thi công, lắp đặt cần đội ngũ kỹ thuật 300-500 người, chưa kể lượng lớn nhân công thường trực.

“Như vậy, để xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM với mục tiêu 2035 hoàn thành tổng 220km cần đội ngũ nhân sự kỹ thuật và tay nghề gần 10.000 nhân sự.

Ngoài đường sắt đô thị, các đô thị lớn cũng cần một lực lượng lớn nhân sự để xây dựng mới hệ thống hạ tầng giao thông, cũng như nâng cấp cải tạo, vận hành khai thác hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Lực lượng nhân sự cần cho công trình giao thông đô thị nói chung rất lớn”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm cho biết.

Mặc dù chuyên ngành Công trình giao thông đô thị tại trường Đại học GTVT TP.HCM được thành lập xuất phát từ nhu cầu nhân lực của xã hội với những ưu điểm vượt trội nổi bật như người học được trang bị nhiều nhóm kiến thức chuyên ngành từ đường sắt đô thị, nhà ga, tới đường bộ đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị....

Nhưng Tiến sĩ Tâm thừa nhận, vấn đề tuyển sinh chuyên ngành này hiện cũng đang đứng trước những thách thức nhất định.

Nhìn chung, mặt bằng thu nhập ngành này không thực sự cao so với các ngành nghề “hot” khác, và công việc liên quan thực địa ngoài công trường, nên tương đối vất vả hơn. Từ đó dẫn tới khó khăn trong thu hút người học.

“Đây là một ngành nghề truyền thống, lâu đời, nên phần lớn phụ huynh và sinh viên đều đã tương đối rõ về nội hàm của nó sẽ học tập như thế nào, cơ hội nghề nghiệp ra sao, việc này có điểm bất lợi là khó tạo ra tính tò mò và đột phá trong tuyển sinh.

Về học tập, để vào học được ngành này nói riêng, cũng như các ngành kỹ thuật nói chung, đòi hỏi người học phải có nền tảng kiến thức tự nhiên tốt ở phổ thông, trong quá trình học tại Đại học cũng yêu cầu nặng về khoa học - kỹ thuật, tính năng động không cao, điều này cũng hạn chế các ứng viên đăng ký”, Tiến sĩ Tâm phân tích.

Khan hiếm nhân lực cầu đường và đường bộ

Nhiều năm “bôn ba” với những công trình xây dựng của đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển - Giảng viên Viện nghiên cứu – đào tạo Đèo Cả (DCI) nhìn nhận bức tranh chung về nhu cầu nhân lực của chuyên ngành cầu đường và đường bộ.

Theo chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của Chính phủ đã thông qua, riêng mảng công trình giao thông, mục tiêu đến năm 20230 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Nhiều công trình đã khởi công và đang tiến hành xây dựng, nhiều phân đoạn cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, đường Vành đai 3...

TP.HCM nằm trong top 20 đô thị lớn nhất thế giới. Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, tổng km đường dự kiến được đầu tư khoảng 454 km (gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn...).

Việc triển khai xây dựng các dự án này cần rất lớn nguồn nhân lực chuyên ngành Cầu đường và Đường bộ để thực hiện các công việc như khảo sát, thiết kế, quản lý, đấu thầu, thi công, giám sát, thí nghiệm, kiểm định.

“Trong tương lai, nhu cầu nhân lực của ngành Cầu đường và Đường bộ được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng khi các dự án giao thông trọng điểm khác như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành ... tiếp tục được triển khai trong thời gian sắp tới”, Tiến sĩ Hiển nhìn nhận.

Việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông trọng điểm dẫn đến sự thiếu hụt kỹ sư chuyên ngành Cầu đường và Đường bộ. Bên cạnh đó, số lượng kỹ sư cầu đường và đường bộ được đào tạo hằng năm khá khiêm tốn so với nhu cầu.

Đơn cử như trường Đại học GTVT TP.HCM, mỗi năm chỉ có 100 sinh viên hai chuyên ngành ra trường hằng năm, điều này dẫn tới sự thiếu hụt của kỹ sư hai chuyên ngành này. Theo Tiến sĩ Hiển, sự chênh lệch cung - cầu này là cơ hội rất lớn.

“Tôi nghĩ các em nên mạnh dạn đăng ký và lựa chọn hai chuyên ngành này”, Tiến sĩ Hiển dành lời khuyên cho các sinh viên.

Chuyên ngành Cầu đường và Đường bộ tại Viện nghiên cứu – đào tạo Đèo Cả là một trong những chuyên ngành đào tạo truyền thống và chủ lực trong hơn 20 qua. Ưu điểm lớn của hai chuyên ngành này là đội ngũ giảng viên uy tín và có kinh nghiệm, nhiều giảng viên được đào tạo tại các quốc gia tiên tiến đang tham gia giảng dạy và nghiên cứu.

Chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật và cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức và kỹ năng để giúp sinh viên có thể có thể đảm trách công việc của các kỹ sư tương lai. Hai chương trình đào tạo Cầu đường và Đường bộ cũng đã được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA.

Cựu sinh viên của hai chuyên ngành này cũng là những kỹ sư có trình độ cao đang nắm giữ khá nhiều vị trí quan trọng về kỹ thuật và quản lý ở các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong ngành giao thông, đặc biệt là khu vực phía Nam và Nam Trung Bộ.

Cơ hội là có thật

Vượt qua 182 đồ án tham dự Giải thưởng Loa Thành 2022 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức, đồ án “Thiết kế nhánh 3 cầu vượt nút giao cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây” của cựu sinh viên Nguyễn Tấn Đạt (Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Xây dựng cầu đường, Trường Đại học GTVT TP.HCM) xuất sắc đoạt giải Nhất.

Chàng trai người Bình Định thừa nhận, đã có lúc bạn bè, gia đình khuyên em nên theo học ngành khác để có tương lai xán lạn hơn, nhưng Đạt tâm sự: “Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, đó là cơ hội rất lớn. Em cũng mong muốn đóng góp chút công sức vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước nên em đã lựa chọn chuyên ngành này”.

Trong quá trình học tại trường, Đạt được tiếp cận với các phần mềm tiên tiến cũng như các kiến thức chuyên môn thực tế để sau khi đi làm có thể áp dụng và tạo ra hiệu quả trong công việc. Về thách thức, theo Đạt đây là ngành học vất vả, đòi hỏi sinh viên phải kiên trì và luôn cập nhật các kiến thức mới để vượt qua các đồ án.

“Hiện tại em đang mảng tư vấn thiết kế triển khai các dự án cao tốc cũng như công trình trọng điểm trên cả nước tại Công ty Tư vấn công trình giao thông 1. Sau khi ra trường, em được Tổng giám đốc Công ty mời vào làm việc luôn”, Đạt chia sẻ và cho rằng, việc lựa chọn vào chuyên ngành mà Đạt đã theo học rất đáng để các bạn sinh viên suy nghĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển - Giảng viên Viện nghiên cứu – đào tạo Đèo Cả (DCI) đánh giá, một ưu thế khác của hai chuyên ngành này là các sinh viên khi ra trường tìm việc đúng chuyên ngành được học với tỷ lệ rất cao, thậm chí hiện nay nhiều sinh viên năm cuối, trong quá trình thực tập chuyên ngành tại các công ty đã được nhận vào làm việc bán thời gian tại các công ty này.

“Và một thông tin vui là sự phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đang thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều ích lợi cho sinh viên như được cập nhật nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ các dự án thực tế và tăng thêm cơ hội thực tập tại các công trình”, Tiến sĩ Hiển đưa ra đánh giá khả quan.

Cuối tháng 9/2023, Trường Đại học GTVT TP.HCM và Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Lễ công bố thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI). Đây là kết quả của sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, công việc, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ông Trần Thế - Chánh Văn phòng Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đồng hành cùng Chính phủ, Tập đoàn Đèo Cả với trách nhiệm là nhà đầu tư, thi công các công trình hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã và đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để thực hiện tốt các dự án trong nước và đón đầu trong một số lĩnh vực mới khi vươn tầm quốc tế.

“Với khối lượng công việc dự báo rất lớn như vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho Tập đoàn cũng rất cao. Riêng năm 2023, Đèo Cả đã tuyển dụng mới hơn 2.300 nhân sự, và kế hoạch năm 2024 sẽ tuyển dụng thêm khoảng 2.500 nhân sự. Kế hoạch nhân sự tuyển dụng mới dự báo tăng trưởng qua các năm khoảng 20% so với năm trước", ông Thế nói.

Ông Thế cung cấp thêm thông tin, từ nay đến năm 2030, dự kiến Tập đoàn Đèo Cả sẽ phối hợp với Trường Đại học GTVT TP.HCM, thông qua Viện DCI đào tạo và tuyển dụng khoảng 10.000 nhân sự cho các dự án, công trình giao thông, thi công cơ sở hạ tầng trên mọi miền đất nước. Riêng với Tập đoàn Đèo Cả, khoá đào tạo đầu tiên về ngành đường sắt metro sẽ được khai giảng vào đầu năm 2024, đạo tạo cho khoảng gần 200 nhân sự.

Bài liên quan
Đồng Tháp có tân Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp quyết định điều động, bổ nhiệm ông Phan Văn Thương, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy giữ chức vụ Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất