Kỳ vọng lớn vào chính sách miễn viện phí toàn dân

Lưu Hường - Nguyễn Hà/VOV.VN | 15/05/2025, 08:10

Cùng với miễn học phí phổ thông, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Đây là nền tảng căn bản, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035, để mọi người được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Miễn viện phí toàn dân, hướng tới xã hội công bằng

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Nhiều ý kiến đánh giá đây là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt ý nghĩa đối với nhóm người yếu thế. 

Bệnh nhân N.T.L (35 tuổi, ở Ba Bể - Cao Bằng) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng viêm phổi nặng có biến chứng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp nặng. Anh L. được chỉ định lọc máu và đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) tại Khoa cấp cứu A9. Chị H. vợ anh L. cho biết: “Chồng tôi không mua bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi viện phí điều trị trung bình 10 triệu đồng/ngày. Tiền lọc máu 15 triệu đồng/lượt, đặt máy ECMO hơn 100 triệu đồng…, gia đình tôi không lo đủ tiền để chữa trị cho chồng nên các bác sĩ đã hướng dẫn tôi làm đơn xin trợ giúp. Nếu như không nhận được nguồn hỗ trợ, không có khả năng trả viện phí thì “chỉ còn nước xin về chờ chết”. Vì vậy, chị H rất mong muốn chủ trương miễn viện phí sớm được triển khai để những gia đình như chị giảm bớt gánh nặng viện phí.

Với những người bệnh nặng phải dùng thuốc đắt tiền, kỹ thuật chuyên sâu mà không có BHYT hoặc phải đồng chi trả viện phí khiến nhiều gia đình trở nên khánh kiệt vì phải đi vay mượn, bán cả ngôi nhà đang sinh sống mới có đủ tiền điều trị đúng liệu trình. “Nay có chính sách miễn viện phí, tôi hy vọng, nhiều bệnh nhân nặng và ung thư sẽ có cơ hội kéo dài sự sống”, chị H. bày tỏ.

Cần lộ trình rõ ràng

Chính sách miễn viện phí cho toàn dân là cơ hội để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nhưng thực hiện không dễ dàng, vì liên quan đến yếu tố tài chính, cơ sở vật chất và nhu cầu khác nhau giữa các khu vực. Do đó, việc triển khai chính sách này cần một lộ trình rõ ràng, có sự đồng thuận từ các bộ, ngành và đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn tài chính bền vững, mới có thể duy trì chất lượng dịch vụ y tế toàn dân.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Tôi cho rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước đang vận hành đúng hướng. Tiến tới thực hiện miễn viện phí, đồng nghĩa với việc quản lý chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân ngay từ tuyến cơ sở, được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và quản lý sức khỏe bằng bệnh án điện tử. Khi phát hiện bệnh nặng sẽ được điều trị miễn phí tại tuyến trung ương”.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, hệ thống y tế cơ sở hiện còn thiếu và yếu. Những bệnh cơ bản như huyết áp, tiểu đường hoàn toàn có thể phát hiện và kiểm soát tại cộng đồng, nhưng hiện nay, người dân không được thăm khám kịp thời để đến khi biến chứng buộc phải chuyển lên trên gây tốn kém trong điều trị và đi lại.

“Chính vì vậy, chủ trương miễn viện phí cho toàn dân không phải là để người bệnh đổ xô lên tuyến trên khám, chữa bệnh gây quá tải không cần thiết, mà chúng ta tiếp tục theo hướng đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở. Giai đoạn này chúng ta sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tiến tới không còn cấp quận, huyện. Vậy các trung tâm y tế huyện, các bệnh viện huyện sẽ vận hành như thế nào để gắn với y tế cơ sở, y tế thôn bản. Đây là cơ hội để chúng ta tập trung nguồn lực và tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở sao cho gắn với dân, gần dân nhất thì dân mới được chăm sóc”, ông Cơ nhấn mạnh.

Theo PGS.TS.BS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương, chủ trương để cho người bệnh đi khám, chữa bệnh không phải trả tiền là chủ trương hết sức tuyệt vời. Và ông thích dùng ngôn từ “người bệnh đi khám, chữa bệnh không phải trả tiền” hơn là “khám, chữa bệnh miễn phí”. Bởi, nếu nói là miễn phí thì người dân sẽ mang tâm lý “của cho là của nợ, của rẻ là của ôi”.

Cần xác định rõ, người bệnh đi khám, chữa bệnh không phải trả phí là do có một ai đó - cụ thể hơn chính là Nhà nước - đã thay họ chi trả. Việc này trên thực tế đã được thực hiện một phần cho một số đối tượng. Đó là người bệnh có thẻ BHYT được chi trả 100% hoặc một phần. Như vậy, không phải chờ đến tương lai mới có người dân được miễn toàn bộ hoặc một phần viện phí. Tuy nhiên, để hướng tới miễn 100% viện phí cho toàn dân thì cần có lộ trình rõ ràng.

“Hệ thống bảo hiểm thay mặt người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh. Vậy chúng ta phải xây dựng cơ chế như thế nào để quỹ bảo hiểm đủ mạnh, đủ lớn để chi trả tất cả chi phí khám, chữa bệnh cho người dân. Thứ hai, về cơ sở khám, chữa bệnh cũng phải xây dựng cơ chế chính sách và chế độ kiểm soát để làm sao khi người đến khám và chữa bệnh được chẩn đoán đúng, điều trị đúng theo phác đồ mà ngành y tế quy định. Trên cơ sở 2 sự kết hợp đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu người dân không phải trả chi phí khám, chữa bệnh”, ông Phạm Ngọc Đông bày tỏ.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, hành lang pháp lý cho công tác y tế ngày càng được hoàn thiện, nổi bật là việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Các chính sách không chỉ chuyển từ định hướng sang hành động cụ thể mà còn khẳng định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn trong khám, chữa bệnh.

“Đến hết năm 2023, quỹ bảo hiểm y tế kết dư 40.000 tỷ đồng. Năm nay quỹ bảo hiểm y tế kết dư dự kiến tăng thêm. Hiện tại, ngành y tế đang định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Dự kiến thời gian tới, nước ta sẽ sửa toàn bộ Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều nội dung tập trung khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là khám, chữa bệnh để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm”. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia.

Bài liên quan
Hơn 90% dân số tham gia BHYT là nền tảng tiến tới miễn viện phí toàn dân
VOVLIVE - Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), hơn 90% dân số tham gia BHYT là một trong những thành tựu về y tế là nền tảng quan trọng để tiến tới miễn viện phí toàn dân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường dự kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng
VOVLIVE - Tối nay 13/5, tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hải phòng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố (13/5/1955-13/5/2025), đón nhận danh hiệu "Thành phố Anh hùng" và khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025
Mới nhất