Nhiều người dân ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai bày tỏ sự kỳ vọng về tuyến đường cao tốc này:
"- Khi nghe tin có dự án này, bản thân tôi cảm thấy rất là phấn khởi, tôi rất mong dự án này sớm hoàn thành để người dân vùng 3 chúng tôi sẽ có điều kiện tham gia giao thông một cách thuận tiện nhất.
- Tôi thường đi tàu hoả vì đi tàu an toàn và rất thoải mái, tuy nhiên sau này đi tàu chậm hơn đi cao tốc nên tôi chuyển sang đi xe ô tô. Nếu tới đây đường sắt mới được xây dựng, tốc độ cao hơn thì tôi sẽ quay trở lại đi tàu.
- Chính phủ có đường sắt cao tốc như thế này thì tôi thấy rất là hợp lí, tốc độ đi lại đối với người dân đỡ mất thời gian, đảm bảo an toàn cao hơn và cũng đáp ứng được công tác phát triển kinh tế, du lịch đối với Lào Cai.
- Trước đây khu ga Yên Bái đông vui, tấp nập người buôn bán, sau này đường sắt ít người đi lại, nhà ga vắng, tình hình buôn bán cũng khó khăn. Hi vọng là tới đây Nhà nước xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao thì ngành đường sắt hồi sinh, nhân dân buôn bán đi lại cũng thuận lợi hơn".

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đi qua 9 địa phương, chiếm khoảng 20% dân số, 25,4% GRDP và 25% khu công nghiệp trên cả nước.
Dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang này là 397 triệu tấn hàng hóa và 334 triệu hành khách. Để tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics, đường sắt cần đảm nhận khoảng 25,6 triệu tấn hàng hóa, 18,6 triệu hành khách.
Tuy nhiên, tuyến đường sắt hiện hữu xây dựng từ thời Pháp, khổ 1.000 mm, tốc độ khai thác trung bình 50 km/h, chỉ đáp ứng khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa, 3,8 triệu hành khách, phục vụ cho khách du lịch chặng ngắn. Dự báo dù đã khai thác hết công suất đường bộ, đường thủy, đường sắt hiện hữu thì đến năm 2040 tuyến này vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhất là hàng hóa.
Ông Lưu Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho rằng, khi tuyến đường sắt này hoàn thành sẽ thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, trong đó có huyện Văn Yên, nơi có rất nhiều lợi thế: "Tuyến đường sắt tốc độ cao khi đi qua địa bàn huyện Văn Yên có ý nghĩa, tác động hết sức quan trọng đối với địa phương, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của nhân dân địa phương. Huyện cũng sẽ tận dụng những lợi thế này để kêu gọi, thu hút đầu tư logistic, vận tải hàng hóa để chuyên chở hàng hóa của huyện cũng như tập kết, chuyên chở hàng các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh" - ông Kiên cho biết.

Ông Phùng Quốc Lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty lâm sản xuất khẩu Yên Bái cũng bày tỏ: "Thời gian tới có tuyến đường sắt thì đây có thể là một cơ sở rất tốt để Yên Bái phát huy lợi thế vị trí địa lý đã có, cũng có thể là một bước đột phát trong thời gian gần cho tỉnh cũng như các doanh nghiệp có thể khai thác được hết các lợi thế để phục vụ phát triển kinh tế địa phương".
Tuyến đường sắt mới khổ 1.435 mm sẽ an toàn hơn, chiếm dụng đất ít hơn đường bộ và thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang. Sau khi xây dựng tuyến mới, hàng xuất nhập khẩu có thể vận chuyển bằng tàu liên vận đi suốt đến châu Âu, giảm giá thành vận tải, chi phí logistics. Việc đầu tư tuyến mới cũng tạo ra thị trường xây dựng, từ đó tác động tăng trưởng kinh tế.
Ông Vũ Đại Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai bày tỏ vui mừng, mong muốn dự án sớm được triển khai, góp phần kích cầu du lịch cho Lào Cai và các địa phương lân cận.
Theo ông Dương: "Nếu bây giờ sử dụng loại tàu cao tốc với tốc độ 160km/h từ Hà Nội lên Lào Cai thì rút ngắn thời gian di chuyển của khách rất là nhiều, thứ hai là yếu tố an toàn của tàu so với ô tô rất nhiều và khách quay lại đi tàu cũng sẽ tăng cao. Tàu là một trải nghiệm rất thích từ xưa đến giờ, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài vẫn rất thích sử dụng phương tiện di chuyển bằng tàu".
Cùng với dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 và Cảng hàng không Sa Pa chuẩn bị khởi công thì dự án đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ để Lào Cai hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam, ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc).

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, việc đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng giúp các tỉnh trong khu vực phát triển nhanh về kinh tế, du lịch, thương mại, đặc biệt là tăng cường kết nối logistic, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa; thúc đẩy thương mại khu vực biên giới... vì Lào Cai là cửa ngõ của Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc.
"Làm sao khai thác tốt các quỹ đất dọc theo tuyến đường sắt này, đặc biệt là quỹ đất khu vực các nhà ga giúp phát triển các khu thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp gia công chế biến, các điểm đô thị, các trung tâm thương mại. Cửa khẩu Lào Cai thì đương nhiên khi có đường sắt sẽ có thêm một phương thức vận tải, đó là ngoài vận tải bằng đường bộ sẽ có thêm một phương thức vận tải đường sắt, làm tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai" - ông Quốc cho biết.
Được biết, hiện nay một số địa phương đã chủ động mời Ban Quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam làm việc để trao đổi, thống nhất về hướng tuyến và vị trí các ga trên địa bàn, đồng thời để phối hợp tốt hơn trong quá trình triển khai dự án.
Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu và có ý kiến thống nhất kịp thời với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ quy hoạch, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương làm các bước triển khai công tác chuẩn bị về giải phóng mặt bằng, tái định cư...