Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt các anh, những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ

HỒNG NAM | 16/10/2020, 14:53

Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt các anh, 13 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn ở Rào Trăng 3, những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ sống và chết vì hai chữ “nhân dân”.

Sáng 12/10, điện thoại lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nóng hơn thường ngày. Một người dân báo tin thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, vùi lấp nhiều công nhân.

Cứu người như cứu hỏa, đoàn công tác của Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế lập tức leo rừng về phía thủy điện để xác minh thông tin và tổ chức cứu nạn. 

Tướng Man cùng các chiến sĩ cuốc bộ qua cả chục km đất đá hiểm trở, vượt những khoảnh rừng bạt ngàn bị bão tố xô đổ hay những quả đồi long lở chực chờ đổ xuống. Hàng chục công nhân đang gặp nguy hiểm, người lính không thể lùi bước dù trong tích tắc.

Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt các anh, những chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ - 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man thị sát tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, ngày 11/10. (Ảnh: QK4)

Có ai ngờ, thảm họa ập xuống, 13 cán bộ, chiến sĩ, phóng viên còn chưa cứu được những người gặp nạn, giờ đã mãi mãi nằm lại.

Các anh ra đi với tinh thần của người lính cụ Hồ. Nhân dân gọi, chiến sỹ trả lời. Họ chỉ đơn giản nhận nhiệm vụ, với một vị phó tư lệnh chỉ huy cuộc tìm kiếm cứu nạn giữa núi từng mênh mông, với một vị chủ tịch UBND huyện gác lại việc nhà để lo cho bà con từng bữa ăn, giấc ngủ, với những chiến sĩ khai sơn, phá thạch tìm đường giải cứu đồng bào, hay với nhà báo nóng lòng muốn tái hiện cuộc giải cứu bằng "bút sắc, lòng trong". 

Các anh nhận nhiệm vụ, nhận trách nhiệm vinh quang với nhân dân, với những người còn chưa một lần quen mặt, lao vào hiểm nguy vì hai tiếng "đồng bào" máu mủ thân thương.

Các anh đã sống trọn tình nghĩa với đất nước và nhân dân. Không chậm trễ một giây, đoàn cán bộ bước vào "chiến địa", dù không thể lường trước mọi sự đợi mình trước mắt, bởi càng hành động nhanh chóng, càng tăng xác suất cứu nạn thành công.

Các anh hiên ngang thách thức khó khăn, bởi thử thách muôn trùng chẳng thể sâu thẳm bằng ý chí con người.

Các anh hướng về Rào Trăng, không chỉ bởi hàng chục công nhân đang đứng trên lằn ranh sống - chết giữa cơn cuồng nộ của tự nhiên, mà còn vì sau lưng họ là những gia đình, là những người vợ ngày đêm ngóng chồng, là những đứa con thơ ngây đợi tiếng cha gọi, là những người cha, người mẹ chờ con trở về.

Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt các anh, những chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ - 2

Đoàn cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng, với cả những người đã ra đi và những người ở lại, họ đã làm tròn chữ nghĩa với nhân dân. Tối qua, người chiến sĩ cuối cùng trong đội cứu nạn đã rời bùn đất lạnh giá để trở về vòng tay gia đình. Về thôi các anh, về nơi mái ấm yêu thương, các anh đã vất vả nhiều rồi.

Các anh hy sinh, bi tráng và hào hùng như ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm trong bài Đất nước. "Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước". Các anh ra đi, để lại những lời hứa chưa thành hiện thực, để lại những nuối tiếc xót xa. 

Đau đớn làm sao khi đất nước đang chuyển mình, những người lính phải bỏ lại cuộc đời để từ nay hóa núi, hóa sông. Bão tố, lũ lụt đã giày xéo mảnh đất miền Trung đến thương tâm, quặn thắt. Những mái nhà chơ vơ giữa biển nước, những gia đình bỗng chốc trắng tay, cơ đồ trôi theo dòng lũ, những người dân chật vật mưu sinh nơi cái nghèo vẫn còn họa hằn trên từng dải đường, ngõ xóm. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khiến không ai có thể kìm lòng. 

Video: Hình ảnh cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 thành viên đoàn cứu nạn

Nhưng, sự hy sinh của các anh không hề vô ích. Người vợ của các chiến sỹ anh hùng tự hào bởi chồng mình đã sống trọn nghĩa tình, chẳng có gì phải thẹn với đất trời, non núi, dẫu niềm tự hào ấy sẽ quyện vào dư vị mặn chát của những giọt lệ, nơi mâm cơm từ nay thiếu vắng người đàn ông của gia đình.

Người con của những cán bộ, chiến sỹ kiên trung có thể tự hào rằng bố mình gan dạ, bất khuất, chẳng vì bất cứ gian truân nào mà nề hà, lùi bước. Dòng dõi kiên cường ấy là tấm gương chiếu rọi, giúp thế hệ sau luôn ngẩng cao đầu và không ngại gian khổ giống như thế hệ cha ông đã từng.

Hình ảnh đoàn cứu hộ đạp đất, xẻ núi giải cứu công nhân, những cán bộ, chiến sỹ đến tận nhà nhân dân tiếp tế lương thực, những bàn tay đan chặt vào nhau vượt qua lũ lớn cùng những trái tim chung nhịp đập hướng về miền Trung thân thương đã tô điểm thêm vẻ đẹp nhiệm màu của hai tiếng "tình người". 

Thảm họa thiên tai tự cổ chí kim cho thấy đứng trước sức mạnh của tự nhiên, con người thật nhỏ bé xiết bao. Dù vậy, không con sóng nào có thể vùi dập được tình đoàn kết, không phong ba nào có thể cuốn phăng được yêu thương giữa người với người.

13 cán bộ, chiến sĩ cứu nạn đã hy sinh, nhưng những người còn sống sẽ làm thay nhiệm vụ của các anh. Còn hơi thở, tất cả sẽ còn chiến đấu để níu giữ những hy vọng mong manh, để ngọn lửa trách nhiệm can trường và kiên trung mà các anh vừa thắp lên sẽ không bao giờ bị dập tắt./.

Bài liên quan
Hai di sản ở Huế được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ký hai quyết định công nhận lễ hội điện Huệ Nam và nghề làm bún Vân Cù (Thừa Thiên - Huế) là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tròn 80 năm quân đội ra đời: Bản hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh
80 năm qua, dưới sự lãnh đaọ của Đảng, quân đội ta đã lập nên bao chiến công lẫy lừng. Tất cả đã đi vào lịch sử dân tộc, tạo nên bản anh hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Mới nhất