Không có vùng cấm, ngoại lệ với vi phạm trong khai thác khoáng sản ở Lai Châu

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc | 22/03/2023, 16:39

UBND tỉnh Lai Châu vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và các tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh Lai Châu vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và các tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Theo báo cáo kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật, giúp cung cấp nguồn vật liệu cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp một phần vào thu ngân sách địa phương...

Tuy nhiên, một số cá nhân, đơn vị trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, như: Khai thác vượt khối lượng, công suất; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất để hoạt động khoáng sản; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; chưa hoàn thiện xây dựng cơ bản mỏ và thủ tục về môi trường để đưa mỏ đi vào khai thác, chế biến đảm bảo tiến độ đã phê duyệt…

Trao đổi với phóng viên VOV về những tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản thông thường là cát, đá trên địa bàn hiện nay, ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu khẳng định: Các doanh nghiệp có trách nhiệm phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; trong đó về sản phẩm thì phải tuân thủ về trữ lượng và mặt hàng đã được ghi rõ trong giấy phép khai thác. Nếu muốn khai thác sản phẩm khác thì phải xin điều chỉnh nội dung giấy phép trước khi khai thác; bất kể hoạt động nào khai thác ngoài nội dung giấy phép đã đăng ký thì đều là vi phạm pháp luật.

 "Lĩnh vực khoáng sản hàng năm đều được Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo tổ chức rà soát đối với các điểm mỏ có nguy cơ vi phạm pháp luật. Qua theo dõi thì hiện nay một số các điểm mỏ trên địa bàn đang có một số tồn tại. Thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và xử lý vi phạm, yêu cầu các mỏ khắc phục những tồn tại đó. Đối với các đơn vị mà không tự nguyện chấp hành sẽ kiên quyết xử lý; những trường hợp tiếp tục vi phạm thì chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để thu hồi giấy phép hoạt động", ông Hùng nói.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã lập danh sách 25 đơn vị có những tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản cần khắc phục; trong đó, có 20 đơn vị vi phạm hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản thông thường là cát, đá.

Để hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào nề nềp, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các tổ chức hoạt động khoáng sản rà soát các quy định trong giấy phép hoạt động của mình và các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ.   

Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 3 tổ chức mới đây, nói về những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, tài nguyên nước và khai thác khoáng sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, với phương châm “không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ". Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp kiểm tra lại các dự án khoáng sản và những dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động nếu có vi phạm./.

Bài liên quan
Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản đảm bảo tính khả thi
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng 12 chương, 117 điều sửa đổi toàn diện Luật Khoáng sản năm 2010. Đây là dự án Luật chuyên ngành khó, liên quan đến một số Luật khác như Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch...

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia thưởng thức phở, ngắm cảnh Hồ Gươm
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cùng các thành viên Bộ Ngoại giao hai nước đã ăn sáng với phở, uống cà phê và đi bộ ngắm Hồ Gươm.
Mới nhất