Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 43 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Các tham luận gửi đến và trình bày tại Hội thảo đã đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới tư duy phát triển; xây dựng và quản lý quy hoạch; thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Qua gần ba năm thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác lập và được cấp thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch quan trọng, làm cơ sở để quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng cân bằng, đa dạng hóa các động lực tăng trưởng; từng bước trở thành một cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 8,86%/năm (mục tiêu đạt 7,1%/năm). Trên cơ sở luận giải, đánh giá, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp thiết thực, có tính thực tiễn cao. Nổi bật, là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho phát triển tỉnh Khánh Hoà theo hướng bao trùm và bền vững.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã đạt các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương như quy mô dân số hơn 1,26 triệu người/ tiêu chuẩn 1 triệu người; diện tích gần 5.200km2/ tiêu chuẩn là 1.500km2. Riêng tiêu chí đô thị loại I chưa đạt.
Đối với tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế- xã hội, Khánh Hòa mới đạt 4/6 tiêu chí gồm: Cân đối thu chi ngân sách; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Còn 02 tiêu chí chưa đạt gồm: Thu nhập bình quân đầu người/tháng cao gấp 1,75 lần so với trung bình cả nước và Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành đạt 90%.
Đến năm 2030, Khánh Hòa phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 thành phố là Nha Trang và Cam Lâm; 2 thị xã là Diên Khánh và Vạn Ninh; 3 huyện là: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa; 2 quận là Ninh Hòa và Cam Ranh. Địa phương cần khoảng 1,2 triệu tỷ đồng đầu tư phát triển, trong đó, ngân sách chỉ khoảng 10%, số còn lại là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, yếu.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, tỉnh đã huy động được khoảng 450 ngàn tỷ đồng phát triển đô thị, cần khoảng 750 ngàn tỷ đồng phát triển trong 5 năm tới. Khánh Hòa tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số; đẩy mạnh chuyển đổi số các ngành du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường: "Tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư, tin tưởng rằng dưới thảm đó là lớp cát rất tốt. Quản lý chặt chẽ quy hoạch để đảm bảo bền vững. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng, đầu tư cho y tế, giáo dục, các mảng an sinh khác cũng như hạ tầng để đảm bảo xây dựng các địa phương thực sự tốt".