Khác biệt trong nghi thức tang lễ của Giáo hoàng Francis

Cẩm Lai(Nguồn: AP, Reuters) | 21/04/2025, 20:30

Vatican tổ chức tang lễ theo truyền thống nghiêm cẩn, đồng thời phản ánh lối sống giản dị và khiêm nhường của ngài.

Sự ra đi của Giáo hoàng Francis không chỉ để lại nỗi tiếc thương sâu sắc cho tín hữu Công giáo toàn cầu, mà còn đánh dấu lần đầu tiên Giáo hội cử hành một tang lễ giáo hoàng theo những nghi thức đã được chính ngài cải tổ trước đó.

Những thay đổi này phản ánh rõ nét tinh thần khiêm nhường, mục tử và gần gũi với người dân – điều mà Đức Francis luôn theo đuổi trong suốt thời kỳ đương nhiệm.

Theo quy định mới được Đức Giáo hoàng phê chuẩn từ năm 2024, các nghi lễ tang lễ đã được đơn giản hóa đáng kể so với truyền thống trước đây.

Cuốn sách mới mang tên “Nghi thức An táng cho Giáo hoàng La Mã” đã thay thế phiên bản được áp dụng từ năm 2000, nhấn mạnh yếu tố mục vụ hơn là nghi lễ phô trương.

Giáo hoàng Francis ngồi bên quan tài của cố Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI tại Quảng trường Thánh Peter trong lễ tang ở Vatican năm 2023. (Ảnh: AP)
Giáo hoàng Francis ngồi bên quan tài của cố Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI tại Quảng trường Thánh Peter trong lễ tang ở Vatican năm 2023. (Ảnh: AP)

Một thay đổi đáng chú ý là thi hài của Giáo hoàng sẽ không còn được đặt trên bệ cao trong Đền thờ Thánh Phêrô để công chúng viếng như trước, mà sẽ được đặt trong một cỗ quan tài đơn giản. Thêm vào đó, việc sử dụng ba lớp quan tài truyền thống – bằng gỗ bách, chì và sồi – cũng được loại bỏ, thể hiện tinh thần giản dị mà Đức Francis luôn cổ vũ.

Nghi thức xác nhận đã qua đời cũng được điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Thay vì diễn ra trong phòng ngủ như truyền thống, nghi thức được tổ chức tại nhà nguyện riêng – một không gian linh thiêng bên trong nơi ở tại khách sạn Santa Marta, nơi Giáo hoàng sinh sống thay vì Cung điện Tông Tòa xa hoa.

Giáo chủ Thị thần, hiện là Hồng y người Mỹ Kevin Farrell, chủ trì việc xác nhận và tuyên bố chính thức về sự ra đi của Giáo hoàng.

Điều đặc biệt hơn cả là việc Giáo hoàng Francis đã chọn Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore làm nơi an nghỉ cuối cùng, thay vì các hang mộ truyền thống dưới Đền thờ Thánh Phêrô. Đây là nơi ngài từng thường xuyên đến cầu nguyện trước mỗi chuyến đi mục vụ và có lòng sùng kính đặc biệt với hình ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani – Đấng Bảo trợ Dân thành Roma.

Theo truyền thống, tang lễ Giáo hoàng kéo dài trong chín ngày, được gọi là “Novemdiales”. Trong suốt thời gian này, các Thánh lễ tưởng niệm sẽ được cử hành hàng ngày tại Đền thờ Thánh Phêrô – trung tâm của Vatican – do các hồng y và giáo sĩ chủ sự.

Cờ Vatican tại các cơ quan công quyền sẽ được treo rủ, thể hiện quốc tang toàn Giáo hội.

Vatican đã bắt đầu tổ chức tang lễ theo truyền thống nghiêm cẩn, đồng thời phản ánh lối sống giản dị và khiêm nhường của Giáo hoàng.
Vatican đã bắt đầu tổ chức tang lễ theo truyền thống nghiêm cẩn, đồng thời phản ánh lối sống giản dị và khiêm nhường của Giáo hoàng.

Theo Tổng Giám mục Diego Ravelli – Trưởng nghi lễ phụng vụ của Vatican – những cải cách này không chỉ là sự điều chỉnh hình thức, mà còn thể hiện triết lý của Đức Francis về một Giáo hội giản dị, phục vụ và gần gũi với con người. Ngài muốn tang lễ của mình là nghi lễ dành cho một môn đệ của Chúa Kitô, chứ không phải cho một người quyền lực của thế gian.

Tang lễ của Đức Giáo hoàng mở ra một trang mới trong truyền thống phụng vụ của Giáo hội, vừa giữ gìn phẩm giá tôn giáo, vừa phản ánh tinh thần đổi mới và gần gũi mà ngài đã sống và truyền dạy. Một triều đại khép lại trong sự giản dị, nhưng những giá trị mà Đức Giáo hoàng để lại sẽ tiếp tục sống mãi trong trái tim hàng triệu tín hữu trên toàn thế giới.

Cùng với tang lễ, quá trình chuẩn bị cho việc bầu chọn vị Giáo hoàng kế nhiệm cũng được kích hoạt.

Theo Express, người thay thế Giáo hoàng Francis phải do các Hồng y Giáo hội bầu thông qua cuộc họp tuyệt mật bên trong Nhà nguyện Sistine. Cuộc bầu cử sẽ có những quy tắc và nghi thức riêng, nhưng sẽ có một số yêu cầu bắt buộc đối với ứng cử viên.

Trước hết, người thay thế Giáo hoàng Francis phải rửa tội trong Giáo hội Công giáo và người này chưa từng kết hôn. Đồng thời, người này phải là giám mục, hồng y, linh mục, phó tế hoặc giáo dân. Vì Giáo hội Công giáo không cho phép phụ nữ trở thành linh mục nên phụ nữ không thể trở thành giáo hoàng.

Bên cạnh yêu cầu là nam giới, ứng cử viên cho chức vụ giáo hoàng phải từ 35 tuổi trở lên và đã nghiên cứu Kinh Thánh, thần học hoặc Giáo luật.

Cẩm Lai(Nguồn: AP, Reuters)
Bài liên quan
Ai sẽ kế nhiệm Giáo hoàng Francis?
Người kế nhiệm Giáo hoàng Francis đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã bắt buộc là nam giới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Chính phủ: Các đồng chí đã "luyện bước đi, rèn ý chí, nghìn người như một"
VOVLIVE - Chiều 19/4, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra, động viên các thành phần quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Mới nhất