Với chủ đề “ASEAN: Tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng”, nước chủ nhà Indonesia đặt ra mục tiêu kép để đối phó với hai thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay là không bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và tập trung phục hồi kinh tế khu vực.
Phục hồi kinh tế hậu đại dịch
Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và hợp tác kinh tế có thể là ưu tiên cao nhất của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023.
Với chủ đề “ASEAN: Tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia sẽ thúc đẩy ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, khuyến khích dòng chảy thương mại nội khối và tăng cường sức mạnh của ASEAN với tư cách là một khối đoàn kết thống nhất. Những nỗ lực này trong quá khứ chưa thực sự hiệu quả do các quốc gia thành viên chưa có hành động quyết liệt trong việc phá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo động lực để những quốc gia này giải quyết các mối quan ngại chung về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và thương mại kỹ thuật số.
Mặc dù Đông Nam Á đã phục hồi tương đối tốt sau đại dịch, nhưng sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các trung tâm sản xuất của khu vực, buộc các nước phải đánh giá tính an toàn lâu dài của chuỗi cung ứng. Indonesia có thể tập trung vào việc đảm bảo các quốc gia thành viên cam kết thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến kết nối và thương mại kỹ thuật số.
Thách thức an ninh
Giới phân tích khu vực nhận định, thành công của Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2023 có thể được đánh giá dựa trên cách nước này giải quyết hai thách thức lớn.
Đầu tiên là tình hình ở Myanmar, vấn đề không chỉ chi phối các cuộc thảo luận trong ASEAN mà còn là chủ đề được quốc tế quan tâm. Những nỗ lực của ASEAN để giải quyết tình hình Myanmar thông qua đồng thuận 5 điểm thời gian qua chưa thực sự hiệu quả khi bạo lực vẫn tiếp diễn tại quốc gia này. Với việc Myanmar dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2023, Indonesia được kỳ vọng sẽ gia tăng sức ép để tìm kiếm giải pháp cho tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này.
Thách thức lớn thứ hai là giải quyết những tác động của sự cạnh tranh Mỹ - Trung ở Đông Nam Á. Mặc dù quan hệ Mỹ - Trung được đánh giá có phần hạ nhiệt căng thẳng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali, nhưng sự đối đầu giữa các cường quốc vẫn có khả năng làm phức tạp thêm các mối lo ngại về kinh tế và an ninh khu vực. Nỗ lực tách rời công nghệ của hai cường quốc có thể phá vỡ hệ sinh thái công nghệ thông tin và truyền thông của Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào sự hỗ trợ, nguồn lực và kiến thức kỹ thuật từ các công ty công nghệ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Hiện cũng có nhiều lo ngại tác động của cạnh tranh giữa các cường quốc đối với quyền tự chủ chiến lược của ASEAN. Tuy nhiên Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, mục tiêu chính của ASEAN dưới sự chủ trì của Indonesia 2023 sẽ là "một khu vực hòa bình, là mỏ neo cho ổn định toàn cầu, kiên định thượng tôn pháp luật quốc tế và không phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào”.
Ngoài ra các thách thức an ninh truyền thống khác như tranh chấp Biển Đông tiếp tục là điểm nóng an ninh ở Đông Nam Á. Mối quan hệ của Đông Nam Á với Trung Quốc phức tạp với các ưu tiên địa chiến lược và kinh tế. Ưu tiên của khu vực vẫn là phát triển kinh tế vì khu vực này phải đối mặt với những lỗ hổng lớn về cơ sở hạ tầng và Trung Quốc đang tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông và năng lượng…
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang thách thức chủ quyền chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực ở Biển Đông. Indonesia nhận thức được rằng, một khối ASEAN thống nhất và gắn kết sẽ là giải pháp tốt nhất cho vấn vấn đề này. Đây cũng sẽ là thách thức quan trọng nhất của Indonesia trong năm chủ tịch ASEAN 2023 trong việc đảm bảo sự gắn kết khu vực về mặt kinh tế cũng như chiến lược.
Kết nạp Timor Leste
Một trong những trọng tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia là thúc đẩy việc kết nạp Timor Leste chính thức trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN. Sau hơn một thập kỷ vận động hành lang, Timor Leste đã đạt được chiến thắng ngoại giao quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2022 khi các quốc gia thành viên chấp thuận về nguyên tắc Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN. Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor Leste trở thành thành viên của ASEAN và Jakarta muốn chứng kiến sự gia nhập chính thức của nước này càng sớm càng tốt, đặc biệt trong năm Indonesia giữ chức chủ tịch.
Liệu Indonesia có thể tạo ra “di sản” trong năm Chủ tịch ASEAN?
Là quốc gia lớn nhất trong khu vực, Indonesia luôn được kỳ vọng cao hơn khi giữ chức chủ tịch ASEAN. Điều này có thể dựa vào những kết quả khi Indonesia giữ vị trí này trước đây. Năm 2003, Indonesia làm Chủ tịch ASEAN đã thông qua Thỏa thuận Bali II, khởi xướng các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN. Năm 2011, Indonesia đã đặt nền móng cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Với việc đây là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN cuối cùng của Tổng thống Jokowi, giới quan sát mong đợi những nỗ lực của Indonesia có thể tạo ra "di sản”. Tuy vậy, dù “di sản” có thể là về hội nhập kinh tế hay việc kết nạp của Timor Leste, nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia cũng được dự đoán sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, có thể nằm ngoài tầm kiểm soát.
Với mục tiêu kép trong năm Chủ tịch 2023 là ASEAN không rơi vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các cường quốc và tập trung phục hồi kinh tế khu vực, có nhiều dấu hiệu cho thấy Indonesia sẽ hướng chương trình nghị sự vào vấn đề kết nối, gắn kết khu vực, phát huy sức mạnh nội khối để đạt được cả hai mục tiêu trên./.