Chiến sĩ – Nhà thơ Lê Văn Sam sinh năm 1950 tại Thôn Đồng Đinh xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ông đã được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 3, 3 Huy chương vàng Liên hoan Thư lục bát toàn quốc năm 15, 16,17, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp thơ Việt Nam. Ông là một trong những người lính của trung đoàn 5 – 205 miền Đông Nam bộ. (Đơn vị được phong hai lần anh hùng LLVT). Từ năm 1972 sau chiến dịch Nguyễn Huệ, ông về học tập và làm công tác giảng dạy tại Trường sỹ quan lục quân 2 (Nay là trường Đại học quân sự Nguyễn Huệ “Long Thành Đồng Nai”).

Là một người lính có tâm hồn dào dạt thơ ca, tác phẩm Mặt Trời Riêng của ông đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam in và phát hành 1000 bản trong phạm vi toàn Quốc . Với chiến sĩ, nhà thơ Lê Văn Sam, những câu chuyện thời chiến, những câu chuyện về vùng đất thép Củ Chi đã ngấm sâu vào máu. Hồi ức về những con người, những “huyền thoại trong lòng đất thép” luôn trở lại trong ông.
Những người con của Thành Đồng
Xứng danh dòng máu anh hùng Việt Nam
…..
Người Củ Chi tấm lòng son
Xương tan thịt nát vẫn còn tiếng thơm
Trong những năm tháng chiến tranh, Củ Chi là một trong số những địa danh phải gánh chịu những hy sinh, mất mát to lớn. Những năm tháng khốc liệt ấy, bao người dân Củ Chi đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương, có những nữ du kích đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội….

Ông cho biết “ Một lần về thăm lại chiến trường xưa, tôi đọc được tiểu thuyết Huyền thoại trong lòng đất “ của nhà văn Mã Thiện Đồng, tôi trào dâng cảm xúc về một thời oanh liệt và xúc động trước hình ảnh những nữ anh hùng du kích Củ Chi, tôi chuyển thể tiểu thuyết thành tập thơ… Tôi mong rằng không chỉ con người Việt Nam biết đến Củ Chi mà cả thế giới biết đến hình ảnh người Việt Nam kiên cường, bất khuất, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”
.jpg)
Tháng Bảy lại về trong cảm xúc thiêng liêng, hoài niệm, tri ân và tưởng nhớ những con người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có đi qua những năm tháng đó mới thấm thía, để có được tự do độc lập như ngày hôm nay, biết bao con người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu. Thế hệ hôm nay cần phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn, học tập các bậc tiền nhân, sống sao để không thẹn với lòng, với những hy sinh to lớn của những anh hùng đã từng là Huyền thoại trong lòng đất”.