Huy động các thành phần trong xã hội để thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học

Văn Ngân/VOV.VN | 03/06/2022, 17:15

Để thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đã đề ra cần đẩy mạnh phát huy các sáng kiến, giải pháp và huy động sự tham gia, hợp tác của các thành phần trong xã hội.

Trong chuỗi các hành động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học với các chủ đề "Chỉ một Trái đất" và “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”, ngày 3/6, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái và Hành động của chúng ta” nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn diện để thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về đa dạng sinh học và các cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho biết, theo Báo cáo Đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được Diễn đàn Liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) xuất bản năm 2019, đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thuốc, năng lượng cho con người.

Tuy nhiên, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học trong 50 năm qua là chưa từng có trong lịch sử loài người. 14 trong 18 dịch vụ quan trọng của hệ sinh thái có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn cầu giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015. 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao, trong đó nhóm loài có tỷ lệ % số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá.

Hiện nay, Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề môi trường, đó là suy thoái và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học vẫn còn nguy cơ bị suy giảm, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hương Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, để khắc phục thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ để chung tay với các quốc gia trên thế giới bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Cụ thể, tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 05/NQ-CP thông qua Cam kết các Lãnh đạo vì thiên nhiên được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Khóa họp lần thứ 75 vào tháng 11/2020. Tiếp theo, vào ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-CP Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều sáng kiến hành động, giải pháp đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức bảo tồn, doanh nghiệp, người dân cùng với sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức quốc tế. 

“Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đẩy lùi được tốc độ suy thoái của các hệ sinh thái, sự tuyệt chủng của các loài và sự suy giảm nguồn gen. Do đó, đẩy mạnh phát huy các sáng kiến, giải pháp và huy động sự tham gia, hợp tác của các thành phần trong xã hội là hết sức cần thiết để có thể thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đã đề ra”, ông Thịnh nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Một người Trung Quốc vận chuyển 22 cá thể tê tê Java quý hiếm
Zhang Zong Wei, SN 1966, quốc tịch Trung Quốc, vừa bị công an tỉnh Cao Bằng giữ khẩn cấp khi vận chuyển 22 cá thể tê tê Java quý hiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất