Ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người

Văn Ngân/VOV.VN | 21/10/2022, 11:25

Theo các chuyên gia, ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Người dân cần thay đổi ngay thói quen tiêu thụ thịt thú rừng trước khi quá muộn.

Tại cuộc họp báo ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức trong sáng 21/10, bà Jan Vertefeuille - Cố vấn cấp cao về Vận động Chính sách của WWF-Hoa Kỳ cho rằng: "Mặc dù chúng ta có thể không xác định được chính xác nơi mà đại dịch mới sẽ bùng phát, nhưng chúng ta xác định được các hành vi như ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo".

Theo bà Jan Vertefeuille, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ ĐVHD tại các khu chợ bán ĐVHD trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ ĐVHD chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm ĐVHD trong tương lai.

Việc tiêu thụ thịt ĐVHD làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.

Hiện nay, các đợt bùng phát dịch bệnh, thậm chí đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật./.

Bài liên quan
Một người Trung Quốc vận chuyển 22 cá thể tê tê Java quý hiếm
Zhang Zong Wei, SN 1966, quốc tịch Trung Quốc, vừa bị công an tỉnh Cao Bằng giữ khẩn cấp khi vận chuyển 22 cá thể tê tê Java quý hiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất