Hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045"

Lại Hoa/VOV1 | 21/03/2024, 15:23

Sáng 21/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045".

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các cơ quan của Đảng, các bộ, ngành của Chính phủ, các viện nghiên cứu và đào tạo, cùng đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ Australia. 

Hội thảo là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu phục vụ việc tổng kết 40 năm Đổi Mới của Việt Nam mà Trung tâm Việt - Úc hỗ trợ, nhằm phân tích và đưa ra khuyến nghị chính sách về các vấn đề phát triển quan trọng của đất nước, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của Việt Nam tới năm 2045. Các kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm Đổi mới và dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đại sứ Australia tại Việt Nam, Ngài Ngài Andrew Goledzinowski nhấn mạnh việc đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045: "Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045. Mối quan hệ của hai quốc gia chưa bao giờ bền chặt như thời điểm này và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, dựa trên niềm tin như đã nêu trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Australia và Việt Nam lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện". 

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra 3 phiên họp chuyên đề về "Những xu hướng toàn cầu và hệ thống quản trị công ở Việt Nam"; "Phát triển đô thị và cải cách lĩnh vực tài chính ở Việt Nam"; "Vượt bẫy thu nhập trung bình và hướng tới phát triển bền vững". 

TS. Đào Ngọc Báu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến các xu hướng toàn cầu và cơ hội lớn đối với Việt Nam. Theo ông Báu, có 3 cái cơ bản, cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Đó là nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ hội thứ hai là giúp Việt Nam hình thành công nghiệp kết nối và thiết lập hạ tầng số. Thứ 3, Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế địa chiến lược của mình, Việt Nam có thể tạo thành quốc gia cầu nối với các quốc gia ASEAN với các nước Đông Á thì đó là những cơ hội mà mang lại cho Việt Nam".

Phân tích hệ thống quản trị công ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới, GS. Trần Ngọc Anh - Học giả quốc tế, Đại học Indiana, Mỹ kiến nghị phải thu hút được đội ngũ có năng lực.

"Cải cách hệ thống đánh giá thì để tạo ra động lực làm việc và cải cách pháp lý để tạo ra không gian làm việc. Khi chúng ta có những chính sách toàn diện để tạo ra cú huých thì 3 mặt của nền công vụ và hệ thống quản trị nó có thể được cải thiện phục vụ sự phát triển của đất nước. Tôi nghĩ vấn đề này nó quá quan trọng. Đề án 40 năm đổi mới này giúp cho chúng ta những đề xuất để cho Đảng có thể cân nhắc và đưa vào chiến lược cho nhiệm kỳ tới"-GS. Trần Ngọc Anh nói.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc tận dụng cơ hội mới để phát triển và có thể vượt qua thách thức theo cách "coi thách thức cũng là cơ hội để phát triển" trong giai đoạn mới. 

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới... Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 USD, là mức cao nhất từ trước đến nay"

Ông Nguyễn Xuân Thắng mong muốn các chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá về tiến trình 40 năm đổi mới để bổ sung cách nhìn khách quan, thực chất để Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển mới: "Làm sao tận dụng được cơ hội phát triển mới và có thể vượt qua theo cách "coi thách thức cũng là một cơ hội để phát triển" trong giai đoạn mới. Những minh giải là phải có luận chứng, với những phân tích thuyết phục phải rút ra bài học kinh nghiệm, những cách làm và đặc biệt là để có những định hướng chính sách để vừa kế thừa được những thành quả đã và đang là tốt, phải có những cách làm mới để chúng ta có thể đạt được thành công trong giai đoạn tiếp sau".

 Đại sứ Australia tại Việt Nam, ngài Andrew Goledzinowski chia sẻ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045. Hai bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, dựa trên niềm tin nêu trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ 2 nước lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Thảo luận bàn tròn: "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045", ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh bài học kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam sau 40 năm đổi mới:

"Điểm thứ nhất là có đổi mới về tư duy từ cái nền kinh tế kế hoạch hóa, sang nền kinh tế thị trường chuyển dịch trong cả một quá trình 40 năm thì cái đấy là một dấu ấn mà rất là lớn. Chuyển dịch thứ hai là cũng định vị lại được vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế; từ một  tư duy nhà nước làm tất, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, nhưng dần dần là Nhà nước định vị được vai trò là bớt tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế. Nội dung thứ ba là vai trò của kinh tế tư nhân, chúng ta cũng đã có được chú trọng vào phát triển kinh tế tư nhân, thế nhưng mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Còn đây là chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - Giám đốc Quốc gia, Oxfam Việt Nam: "Vai trò của Chính phủ trong việc mở rộng các quan hệ hợp tác chiến lược, lắng nghe các quan điểm khác nhau của các cộng đồng quốc tế, tận dụng các nguồn lực, những bài học kinh nghiệm để có thể phục vụ cho phát triển của Việt Nam. Thứ hai nữa là cũng tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trên diễn đàn khu vực và thế giới. Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm các nước khác trong việc làm thế nào đảm bảo được tăng trưởng bền vững đi đôi với giảm nghèo, đảm bảo cơ hội công bằng cũng như tăng cường các quan hệ hợp tác phục vụ cho phát triển của Việt Nam".

Các kết quả nghiên cứu tại Hội thảo dự kiến sẽ là cơ sở phục vụ cho việc xây dựng Dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới và Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng.

Bài liên quan
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và 6 luật khác, cũng như xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất