Học sinh dân lập, tư thục toàn quốc có thể được giảm học phí

Anh Văn | 08/04/2025, 23:24

VOVLIVE - Bộ GD&ĐT đề xuất dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ học phí với trẻ mầm non và học sinh phổ thông khối dân lập, tư thục trên toàn quốc.

Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Dự thảo do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng.

Theo Bộ GD&ĐT, việc xây dựng Nghị quyết nhằm tiếp tục cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị, trong đó có quyết định miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập. Các đối tượng học sinh khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT đề xuất hỗ trợ học phí với trẻ mầm non và học sinh phổ thông khối dân lập, tư thục trên toàn quốc.
Bộ GD&ĐT đề xuất hỗ trợ học phí với trẻ mầm non và học sinh phổ thông khối dân lập, tư thục trên toàn quốc.

Hỗ trợ học phí học sinh dân lập, tư thục

Dự thảo tờ trình của Bộ GD&ĐT nêu rõ, đối tượng không phải đóng học phí theo quy định của Luật Giáo dục 2019 là học sinh tiểu học; đối tượng miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục 2019 gồm: trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học cơ sở.

Còn triển khai kết luận của Bộ Chính trị sẽ bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí gồm trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục, học sinh trung học phổ thông, học sinh học văn hóa trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

"Như vậy, chính sách sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học theo Kết luận của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh trung học phổ thông trong hệ thống trường công lập, các đối tượng khác thực hiện theo quy định của pháp luật", dự thảo tờ trình nêu.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết, trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập được miễn học phí; học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí

Cũng tại dự thảo nghị quyết, Bộ GD&ĐT đề xuất quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục như sau:

Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở giáo dục công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục tư thục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do HĐND tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.

Cần thêm 8.200 tỷ đồng để miễn học phí cho học sinh cả nước

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).

Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS, 2,99 triệu học sinh THPT.

Bộ GD&ĐT căn cứ theo mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 81/2021 và Nghị định số 97/2023 của Chính phủ để ước tính như sau:

Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30.000 tỷ đồng (mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định mức sàn, trần học phí quy định của Chính phủ).

Tổng ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với: trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học; học sinh THCS từ năm học 2025-2026 là 22.500 tỷ đồng.

"Như vậy, số ngân sách Nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỷ đồng", Bộ GD&ĐT dự kiến.

Về tác động chính sách, Bộ GD&ĐT nhận định, người dân là đối tượng trực tiếp thụ hưởng, qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đối với phần học phí tiết kiệm được. Đồng thời, tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng và Chính phủ.

Nghị quyết được áp dụng từ năm học 2025-2026 trở đi.

Anh Văn
Bài liên quan
Học phí ngành bán dẫn cao nhất 80 triệu đồng/năm
VOVLIVE - Mức học phí dành tại các trường đại học đào tạo ngành học về vi mạch, bán dẫn trong khoảng 20-30 triệu đồng/năm học, cao nhất 80 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Hội nghị Trung ương 11 sẽ bàn sắp xếp đơn vị hành chính
VOVLIVE - Liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin, tới đây Hội nghị Trung ương 11 sẽ họp bàn về sắp xếp các đơn vị hành chính, cân nhắc điều chỉnh địa giới hành chính gắn với điều chỉnh không gian kinh tế.
Mới nhất