Đây là một trong những nội dung được quan tâm tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP.HCM đối với UBND TP.HCM về tình hình triển khai củng cố "Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe toàn dân" trên địa bàn diễn ra chiều nay (6/11).
1.024 nhân viên y tế nghỉ việc
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2021, 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, có 1.024 nhân viên y tế bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc, gồm: 220 bác sĩ, 327 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 141 người chức danh khác. Riêng tại trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức có 366 người nghỉ việc.
Có rất nhiều lý do thôi việc khác nhau, tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là vì áp lực công việc, sức khỏe sau đại dịch COVID-19 không được đảm bảo, mức thu nhập thấp, nhà xa...
Vừa qua, có 207 bác sĩ trẻ hoàn thành thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế. Ngành y tế tổ chức ngày hội việc làm, nhưng sau đó chỉ có 18 bác sĩ đăng ký về y tế cơ sở.
Theo đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chính sách giữ chân nhân viên y tế là bài toán khó, cần có giải pháp lâu dài. Điều quan trọng phải có sự quan tâm, hỗ trợ của UBND TP.HCM.
Bà Tuyết cho biết, 10 năm qua, đều đặn mỗi tuần, nhân viên của Bệnh viện Hùng Vương xuống hỗ trợ chuyên môn về sản phụ khoa cho Bệnh viện huyện Cần Giờ. Thế nhưng, việc đào tạo này cứ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Nhân viên y tế học xong bỏ việc, hết lớp này đến lớp khác. Cuối cùng Bệnh viện Cần Giờ không còn nhân sự.
Bà Tuyết cho hay, bác sĩ ra trường chỉ thích về tuyến Trung ương và các bệnh viện chuyên khoa, không muốn về y tế cơ sở. Ngoài nguyên nhân do mức thu nhập ổn định thì còn có cơ hội học tập nâng cao tay nghề. Về y tế cơ sở, nhân viên y tế không được quan tâm nâng cao tay nghề, chuyên môn.
Do đó bà Hoàng Thị Diễm Tuyết đề xuất, cần có chính sách đào tạo rõ ràng, để bác sĩ ở lại y tế cơ sở vững tin trên con đường họ chọn: “Ví dụ cùng 1 khóa học tốt nghiệp bác sĩ ra trường như nhau, nhưng nếu về các bệnh viện trung ương, tuyến trên thì chỉ sau 10 năm cũng có thể học để trở thành tiến sĩ, phó giáo sư, được học tập rất nhiều để nâng cao tay nghề. Còn bác sĩ ở trạm y tế ở cơ sở thì sau 10 năm cũng chỉ là bác sĩ. Do đó nên có chính sách sớm hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở để họ bám trụ với địa phương, giúp cho người dân địa phương được nhiều hơn”.
Một mình ngành y không thu hút được nguồn lực cho y tế cơ sở
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, ngành y tế không thể đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở nếu không có sự phối hợp của chính quyền các quận, huyện.
Ông Thượng nêu ví dụ: 8 năm về trước, bệnh viện Củ Chi chỉ có 13 bác sĩ, nhưng đến nay đã có hơn 100 bác sĩ. Trong khi đó, TP chưa có một cơ chế riêng nào hỗ trợ Bệnh viện Củ Chi thu hút nhân lực. Điều đó chứng tỏ vai trò của chính quyền huyện Củ Chi trong việc thu hút nhân viên y tế về với cơ sở.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, loại hình bác sĩ thực hành tổng quát là phù hợp nhất ở trạm y tế. Tuy nhiên, hiện nay chính sách đào tạo nhân lực y tế ở Việt Nam chưa rõ ràng, chưa quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, mà chủ yếu đào tạo bác sĩ chuyên khoa: “Về phía ngành y tế chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ Y tế sẽ có những chính sách để đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát cho tuyến y tế cơ sở. Cá nhân tôi nghĩ rằng đến lúc chúng ta phải có chính sách nghĩa vụ cho y tế cơ sở. Nghĩa là các bác sĩ ra trường được đào tạo 12 tháng, phải về làm việc tại y tế cơ sở trước khi muốn học chuyên khoa”.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, suốt thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư cho ngành y tế vì đây là lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp sức khỏe người dân, đặc biệt là giai đoạn COVID-19 nhiều vấn đề được thể hiện rõ hơn.
Mục tiêu của TP.HCM là nâng cao tuổi thọ và chất lượng sống của người dân. Điều này không thể thiếu vai trò của y tế cơ sở. Nếu không củng cố hệ thống y tế cơ sở sẽ không thể đạt được mục đích. Do đó, đòi hỏi sự kết hợp của ngành y tế và các địa phương: “Chúng ta lưu ý là hiện nay hệ thống y tế cơ sở đã bàn giao về các địa phương và Sở Y tế chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước, hướng dẫn về chuyên môn. Do đó, sắp tới vai trò của các địa phương càng quan trọng hơn, sự chủ động của lãnh đạo địa phương là sẽ quyết định hiệu quả của tuyến y tế cơ sở cùng với đó là sự nỗ lực của ngành y tế”.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP.HCM, trước mắt, Sở Y tế TP tiếp tục rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND TP chính sách về thu nhập; chính sách về đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên y tế; chính sách đẩy mạnh đầu tư công, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải lãng phí.