Sở GTVT Hà Nội cho biết, 55 cầu này là những cầu được thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo, trong các năm qua do lưu lượng phương tiện lưu thông cao, xuống cấp, cần được sửa chữa, gia cố sớm.
Theo đánh giá của Sở GTVT, số lượng cây cầu yếu trên địa bàn khá lớn, mức độ xuống cấp và sự cần thiết đầu tư các cầu khác nhau. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt cho hệ thống cầu yếu hiện nay còn nhiều hạn chế.
Do vậy, Sở GTVT kiến nghị thành phố hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới các công trình này theo cơ cấu: 50% ngân sách thành phố và 50% ngân sách địa phương.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, qua kiểm tra, rà soát của UBND các địa phương cũng phát hiện nhiều cầu do quận, huyện, thị xã quản lý cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong số này, có 89 cầu cần được đầu tư xây dựng mới, thay thế, cải tạo.
Để xác định mức độ xuống cấp và ưu tiên vốn đầu tư, sau khi rà soát đánh giá, Sở GTVT Hà Nội đã phân loại các công trình cầu tạm, cầu yếu thành 3 nhóm: Nhóm 1 là các cầu cần đầu tư xây dựng mới, thay thế cầu cũ; nhóm 2 gồm các cầu còn sử dụng được, cần sửa chữa, cải tạo; nhóm 3 gồm các cầu chưa có phát hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.
Đối với nhóm cầu đầu tư xây dựng mới, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư cần diễn ra trong giai đoạn năm 2024-2025.
Với cầu Thanh Trì, tuy là cầu mới đưa vào sử dụng và được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, song cũng có nhiều hạng mục bị nứt hư hỏng. Vì thế, đơn vị quản lý, duy tu cầu đề xuất sửa chữa, khắc phục sớm với kinh phí 120 tỷ đồng.