Hà Nội phòng dịch sốt xuất huyết, sẵn sàng đón năm học mới 2023-2024

Thiên Bình/VOV.VN | 01/09/2023, 08:56

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi học sinh quay trở lại trường học, dịch bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh thủy đậu, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh từ sớm, từ xa.

Trước thềm khai giảng năm học mới 2023-2024, Bộ Y tế đã có yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc để phòng chống dịch sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi học sinh quay trở lại trường học, dịch bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh thủy đậu, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa.

Sở Y tế Hà Nội đánh giá, các huyện Thạch Thất và Thanh Trì đang có diễn biến dịch sốt xuất huyết phức tạp, với số ca bệnh nhiều nhất; có các ổ dịch phức tạp, kéo dài. Do đó, để phòng, chống dịch hiệu quả, trường THPT Nguyễn Quốc Trinh (Thanh Trì, Hà Nội) đã tiến hành cắt tỉa cây xanh, cắt cỏ trong khuôn viên nhà trường, tổng vệ sinh toàn trường, tuyệt đối không để tồn đọng nước thải nước mưa, phun khử khuẩn, để nước sát khuẩn tại các cầu thang, trước cửa mỗi phòng học, nhà vệ sinh, phòng học luôn được giữ gìn thoáng mát.

Thầy Ngô Văn Nghĩa, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Quốc Trinh cho biết, nhà trường thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh của trường về phòng chống, dịch sốt xuất huyết, đồng thời có đội thanh niên xung kích để phối hợp với y tế nhà trường trong tuyên truyền xử lý bệnh sốt xuất huyết và tư vấn để học sinh hiểu rõ, hiểu đúng để phòng dịch hiệu quả, không gây hoang mang.

“Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể đối với các trường, đơn vị trực thuộc, các phòng giáo dục về phòng chống sốt xuất huyết. Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn, nhà trường đã giao bộ phận y tế xây dựng kế hoạch, rà soát các khâu, các bước cho phòng, chống dịch sốt xuất huyết, giao Đoàn thanh niên tuyên truyền trong học sinh về việc phòng chống sốt xuất huyết, Công Đoàn tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”, thầy Ngô Văn Nghĩa nói.

Không chỉ sốt xuất huyết, hiện Hà Nội và một số tỉnh lân cận còn xuất hiện dịch đau mắt đỏ. Cụ thể, trong 3 tuần của tháng 8/2023, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ (gấp gần 2 lần so với tháng 6-2023). Tương tự, 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, hiện nay, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26 - 32 độ C là điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết với nhiều ca mắc trên địa bàn, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao; học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học là nguy cơ làm gia tăng đối tượng mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới. Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. 

Liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn để chuẩn bị đón năm học mới, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, bảo đảm khung cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp.

Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương cho thấy, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo các đề nghị của Bộ Y tế.

Các địa phương cũng chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Hiện tại các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch. Danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được Bộ Y tế cấp phép đã được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Môi trường y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.

Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Theo Bộ Y tế, hiện nay thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Yếu tố cốt lõi quyết định việc đảm bảo cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bài liên quan
Cảnh giác với các bệnh dịch mùa hè
VOVLIVE - Dù mới bước vào đầu mùa hè, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, 15.000 ca sốt xuất huyết, hàng trăm ca mắc sởi, ho gà. Bên cạnh đó là ca bệnh đầu tiên mắc cúm A/H9N2, 1 một bệnh nhân nam đã tử vong do cúm A/H5N... Những diễn biến của dịch bệnh mùa hè đang đặt ra những vấn đề gì đối với hệ thống dự phòng và người dân?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất