Giải pháp nào để hạn chế tai nạn trên đường cao tốc 2 làn xe?

Phi Long/VOV.VN | 13/03/2024, 09:06

Bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần lưu ý về các phương pháp tổ chức giao thông sao cho đảm bảo an toàn như tăng biển báo, thông tin tín hiệu an toàn ra vào các tuyến cao tốc hạn chế 2 làn xe.

Hiện cả nước đã hoàn thành 12 tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư với tổng chiều dài 743km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng trên một số tuyến cao tốc như: Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo và cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Câu hỏi đặt ra, rại sao ngày càng có nhiều tuyến đường cao tốc khánh thành và chất lượng tốt, nhưng tai nạn giao thông lại có xu hướng tăng cao. Do ý thức của người tham gia giao thông hay hạ tầng giao thông trên các cao tốc (đầu tư phân kỳ) có bất cập?

Do ý thức người tham gia giao thông?

Theo ông Phan Thanh Uy-Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải ô ô Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông có nhiều, nhưng chủ yếu tai nạn giao thông do ý thức chấp hành của người lái xe.

“Đầu tiên ý thức họ có vấn đề, ý thức yếu kém và chủ quan, đôi khi coi thường tính mạng của người tham gia giao thông, sức khoẻ của người lái xe, mất ngủ, buồn ngủ, đôi khi sử dụng ma tuý, uống rượu. Nguyên nhân chủ quan là do thiết kế đường cao tốc không loại trừ, ở đây là liên quan đến hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. Chỗ này chỗ kia, không có biển báo, để người lái xe ra vào thuận lợi, ít biển báo đôi khi họ không thuận lợi, bổ sung thêm”, ông Uy nói.

Bên cạnh đó, theo ông Uy, hiện có một bộ phận lớn lái xe có kỹ năng hạn chế, thiếu hiểu biết. Trong đó, 1 số người lái xe thiếu hiểu biết, kỹ năng dẫn đến tai nạn giao thông, khả năng thứ 2 là do chủ quan, coi thường để xảy ra TNGT.

“Lấy ví dụ cụ thể, khi lái xe trên cao tốc có 2-3 làn xe, lái xe cần phải biết ý nghĩa làn xe trên mặt đường để thuận lợi. Đa số lái xe chưa biết chạy làn nào cho phù hợp dẫn đến cản trở giao thông khiến các xe vượt phải nhiều dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông.

Đặc biệt, làn xe ngoài cùng bên trái là làn tốc độ lớn nhất, nhưng lái xe chưa thực hiện được và chưa tuân thủ. Lái xe chưa có kỹ năng ước lượng khoảng cách trên đường cao tốc, có quy tắc 4 giây áp dụng cho xe con, tải nhẹ để có sự an toàn là khoảng 50m tương đương 50km/h, 80km/h là khoảng cách đạt 80m, 120km/h thì khoảng cách 120m mới đảm bảo.

Quy tắc 6 giây áp dụng xe tải nặng và xe khách, lúc này 50km/h là 70m, và tăng lên tương ứng. Ngoài ra, trời mưa, sương mù sẽ phải nới rộng khoảng cách mà lái xe cần phải biết. Do đó, lái xe cần có kỹ năng ước lượng khoảng cách để đảm bảo an toàn, đồng thời lái xe cần khoẻ mạnh, minh mẫn để có phản xạ, nhưng khi không có điều đó dẫn đến TNGT...”, ông Uy phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, khi có một vụ tai nạn, chúng ta cần xem xét 3 yếu tố. Thứ nhất ý thức, thứ 2 chất lượng phương tiện, thứ 3 là chất lượng của hạ tầng.

“Các vụ tai nạn vừa qua ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn cơ bản đánh giá do ý thức người tham gia giao thông khi không chấp hành hiệu lệnh và quy tắc giao thông trên đường cao tốc. Gần đây, chúng ta thấy tình trạng tai nạn trên đường cao tốc/tổng số đường cao tốc chiếm vẫn ít, nhưng lại rơi vào 1 số đoạn tuyến đường cao tốc đang xây dựng phân kỳ”, ông Thắng nhìn nhận.

Ông Thắng thừa nhận, nhiều đoạn đường cao tốc đang xây dựng phân kỳ, giai đoạn 1 nên chưa đồng bộ, một số đoạn tuyến rất hẹp, mà lại rơi vào những đoạn tuyến huyết mạch. Còn lại, những đường cao tốc hoàn chỉnh, mức an toàn rất cao, dường như tai nạn giao thông rất ít.

“Chúng ta có thể tìm ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục”, ông Thắng nói.

Nên mở rộng cao tốc đúng chuẩn

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến nêu quan điển: Đã là đường cao tốc thông thường mỗi bên phải có hai làn xe, điều này để phù hợp yêu cầu lưu thông, yêu cầu vận chuyển với tốc độ cao. Từ đó, mới phát huy được yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội khi giao thông đường bộ được đẩy nhanh.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, có nhiều ý kiến về việc không nên đầu tư đường cao tốc với hai làn xe và quan điểm của ông cũng vậy. Vì sao? Vì thông thường khi thiết kế một tuyến đường cao tốc, họ đã có tính toán về việc đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong thời gian ít nhất 5-10 năm tiếp theo, chứ không thiết kế chỉ để đáp ứng yêu cầu trong 1-2 năm trước mắt.

“Nguyên tắc đầu tư đường giao thông phải phù hợp với dự báo về sự gia tăng xe, số lượng xe lưu thông. Còn về làm sao để đảm bảo an toàn ở các tuyến cao tốc hai làn xe hoặc không có làn dừng khẩn cấp như hiện nay, theo tôi không có cách nào khác phải mở rộng đường cao tốc cho đúng chuẩn để hạn chế tai nạn”, ông Quyền nói.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, đầu tư phân kỳ là công thức đầu tư áp dụng nhiều lĩnh vực, trong đó có công trình giao thông phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn lực tài chính.

Đối với đầu tư cao tốc, đây là đầu tư công trình cấp cao nhất của lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT lựa chọn phương thức đầu tư phân kỳ (như cao tốc hai làn xe) phụ thuộc vào hai yếu tố.

Thứ nhất là lưu lượng xe, như vùng xa, lưu lượng xe chưa đủ lớn thì có thể phân kỳ. Thứ hai là yếu tố rất quan trọng về nguồn lực tài chính, có đủ nguồn lực để đầu tư đường cao tốc 4-6 làn xe không?

“Tôi nghĩ thời gian qua việc đầu tư phân kỳ cao tốc là một sự tính toán kỹ của Bộ GTVT, phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng cũng cần lưu ý về các phương pháp tổ chức giao thông sao cho đảm bảo an toàn như tăng biển báo, thông báo, thông tin tín hiệu an toàn ra vào…

Cụ thể, đơn vị quản lý cần rà soát các cao tốc hai làn. Khi đầu tư phân kỳ, chúng ta cũng cần có chi phí để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Đơn cử như về giao thông thông minh, cần thường xuyên có camera giám sát để quản lý, vận hành đường cao tốc. Hiện nay, chúng ta chưa để ý vấn đề này đúng mức, nếu cần phải có cả đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc chuyên nghiệp hơn”, PGS-TS Trần Chủng phân tích.

PGS-TS Trần Chủng cho rằng, đối với quy định, quy chuẩn cao tốc hai làn xe, hoặc quy định về tốc độ cần xem xét thấu đáo. Tuy nhiên, người tham gia giao thông cũng cần xây dựng văn hóa tham gia giao thông trên đường cao tốc như yêu cầu giữ khoảng cách, vượt đâu là thích hợp…

“Tôi cho đây là vấn đề quan trọng, chứ lưu thông cao tốc không như đô thị, cứ thấy chỗ nào trống thì chèn vào, rất nguy hiểm”, ông Chủng nói.

Đồng quan điểm, Thượng tá Phạm Việt Công - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, một giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường cao tốc đó là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

“Chúng ta thấy, quá trình xây dựng các văn bản xử phạt hành chính về vi phạm an toàn giao thông, cơ bản hiện nay đang áp dụng phù hợp, nếu trường hợp vi phạm có tính chất nguy hiểm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính thì cần phải tăng lên mức xử phạt hình sự đối với hành vi cố tình vi phạm, chủ quan và gây hậu quả đặc biệt. Chúng ta không đánh đồng vi phạm, đặc biệt là những vi phạm chủ quan, cố tình phải xử phạt đến mức răn đe, có lộ trình để bổ sung phù hợp”, Thượng tá Phạm Việt Công kiến nghị.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm các vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, GTVT; Ủy ban ATGT Quốc gia; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ: Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, làm chết và bị thương nhiều người.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh có  tuyến đường đi qua phải trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập; đồng thời khẩn trương làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi liên tiếp để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.

Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nêu trên.

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe và các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chưa thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 07/CĐ-TTg ngày 23/2/2024 và Công điện số 14/CĐ-TTg ngày 18/2/2024, dẫn đến tiếp tục xảy ra vụ tai nạn nêu trên.

Thủ tướng cũng giao Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ GTVT các cơ quan có liên quan xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2024.

Bài liên quan
Thần tốc 1.000 ngày đưa dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo về đích
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km được các đơn vị thi công “thần tốc” trong 1.000 ngày đã chính thức được thông xe vào chiều 28/4. Đây cũng là dự án PPP cao tốc Bắc-Nam đầu tiên được Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận nghiệm thu các hạng mục phức tạp…

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất