Cha mẹ đồng hành để chọn lại hướng đi
Kỳ thi vào lớp 10 được xem là kỳ thi nhiều áp lực, bởi đối với phần lớn học sinh đây là cánh cửa duy nhất để tiếp tục học lên hệ Trung học phổ thông (THPT) công lập. Áp lực ấy không chỉ đến từ học sinh, mà còn xuất phát từ kỳ vọng của phụ huynh.
Nhiều gia đình có suy nghĩ rằng hệ thống ngoài công lập thường vượt quá khả năng tài chính. Khi con không vào được trường như ý, phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang, lo con sẽ chọn sai trường, không thành công và mất thời gian cũng như tiền bạc.

“Tôi cho rằng dù đã có nhiều lời cảnh báo về tâm lý sau thi, nhưng thực tế cho thấy áp lực vẫn diễn ra ở khắp nơi từ các tỉnh, thành đến ngay cả Hà Nội. Đáng buồn là đã có những sự việc không mong muốn xảy ra với học sinh lớp 9 sau khi biết kết quả”, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán THPT ở Hà Nội.
“Áp lực ấy, phần lớn đến từ sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ. Mỗi mùa thi đến là một mùa áp lực với các con”.
Theo thầy giáo này, điều quan trọng sau kỳ thi là gia đình và nhà trường cần chia sẻ, đồng hành, không để các em rơi vào trạng thái tuyệt vọng chỉ vì trượt nguyện vọng vào trường công lập.
“Nếu học sinh không đỗ cả hai nguyện vọng vào trường công, thì điều đầu tiên cần làm là bình tĩnh. Cùng các em nhìn lại năng lực, định hướng lại và tìm kiếm các phương án khác – đó mới là điều cần thiết. Có rất nhiều cánh cửa vẫn đang mở,” thầy nói.
Phương án đầu tiên, phổ biến nhất, là chuyển hướng sang các trường tư thục. Tuy nhiên, theo vị giáo viên này, phụ huynh và học sinh cần “nhanh chân” vì chỉ tiêu ở khối tư có hạn, nhu cầu tăng đột ngột sẽ khiến cơ hội cũng giảm nhanh. “Việc chọn trường cũng cần thực tế, phù hợp với năng lực – đôi khi "lọt sàng xuống nia" là lựa chọn hợp lý để đảm bảo tâm thế ổn định và không bị hụt hẫng thêm.”
Ngoài ra, còn hai hướng đi khác cũng đáng cân nhắc là: vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc tham gia học nghề theo phân luồng. “Bạn học công lập, tư thục hay học nghề – tất cả đều không quyết định thành bại. Điều quan trọng là bạn có tư duy tích cực, có thói quen học tập suốt đời hay không. Chính điều đó mới tạo ra giá trị và nghề nghiệp thật sự cho bạn”.
Chọn hướng đi phù hợp - "chìa khóa" then chốt
Theo một chuyên gia hướng nghiệp thì, hiện nay có các trường trung học phổ thông kỹ thuật, tích hợp giữa học văn hóa và học nghề. Đây là những mô hình rất phù hợp với thực tiễn. Không đỗ vào trường công không có nghĩa là thất bại - quan trọng là tìm được hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích.
Thầy Tùng cũng cho rằng, không đỗ trường công không phải là chấm hết. Nếu gia đình và học sinh cùng nhìn nhận nghiêm túc, chọn đúng hướng đi phù hợp, thì các em vẫn có thể thành công – đôi khi còn theo cách vững vàng hơn nhiều.
“Phù hợp” - mới là từ khóa then chốt. Chỉ khi lựa chọn phù hợp với năng lực và đam mê của chính mình, học sinh mới có thể học tập tích cực, chủ động và phát triển đúng hướng”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Thực tế, hiện nay Việt Nam vẫn chưa làm tốt công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở. Trong khi các nước như Đức, Thụy Sĩ đã phân luồng đến 50–70% học sinh vào các hệ học nghề, thì ở Việt Nam, con số này chỉ khoảng trên dưới 20%.
Nhiều ý kiến cho rằng, do chúng ta đang phân luồng chưa hiệu quả, dẫn đến hệ quả là nhiều em dù không phù hợp với bậc THPT vẫn chen chân thi tuyển. Áp lực không cần thiết ấy không chỉ đè lên vai học sinh, mà còn khiến hệ thống giáo dục phổ thông quá tải.
“Nếu ngành giáo dục làm tốt công tác hướng nghiệp, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, đồng thời xóa bỏ tâm lý kỳ thị trường nghề, thì học sinh và phụ huynh sẽ có thêm nhiều lựa chọn phù hợp, thay vì cố bằng mọi giá chen vào THPT hay đại học”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, ở tuổi 15, học sinh rất cần được lắng nghe, chia sẻ và định hướng. Đó là lúc vai trò của phụ huynh, thầy cô, hệ thống tư vấn và truyền thông trở nên đặc biệt quan trọng. Các bên cần cung cấp thông tin kịp thời, giúp các em hiểu rằng, một cánh cửa khép lại không có nghĩa là mọi con đường đều đóng sập.
Thành tích cao hay thấp không phải là yếu tố duy nhất quyết định tương lai. Điều quan trọng hơn là khả năng đứng dậy sau mỗi thất bại. Đó mới là bước đầu tiên để thật sự trưởng thành.