Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung thành phố thuộc TP. Hà Nội

10/11/2023, 21:29

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về chế độ đãi ngộ nhân tài và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội

Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, đề xuất cán bộ tại Hà Nội được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố với các tiêu chuẩn chung. Để thu hút nhân tài cống hiến cho thành phố, Chính phủ đề xuất Hà Nội có chế độ đãi ngộ nhân tài riêng, như tuyển dụng không qua thi tuyển.

Tương tự cơ chế áp dụng cho.TP.HCM, Hà Nội cũng được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn. Tổng mức chi cho nội dung này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

HĐND thành phố cũng quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Số lượng đại biểu HĐND thành phố vì vậy tăng từ 95 lên 125, tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%. Số lượng Phó chủ tịch HĐND từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan này.

Cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15: tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Thành phố này có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng Phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị. HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức.

Tăng quyền cho HĐND, UBND thành phố

Dự luật Thủ đô sửa đổi cũng đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù khác cho Hà Nội. Đơn cử, Thành phố được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế; Thường trực HĐND thành phố có thêm một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C...

Chính phủ đề xuất phân quyền từ Thủ tướng cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại TP.HCM). UBND thành phố. Hà Nội được mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ; quy định mang tính nguyên tắc về không gian ngầm.

Một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cũng được đề xuất phân cấp cho HĐND, UBND thành phố. Chẳng hạn như HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được phép liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài. HĐND TP quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học. UBND thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học.

Bên cạnh đó, HĐND TP được quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

Di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô

Dự luật đề xuất thành phố quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm; cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Thành phố được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.

Dự luật bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo. Thành phố cũng được quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Đề nghị khu vực liên kết vùng Thủ đô được áp dụng một số chính sách đặc thù 

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đa số các ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả quy định này, đề nghị xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, vai trò của chính quyền thành phố Hà Nội và cơ chế xử lý trong trường hợp giữa Bộ, ngành và chính quyền Thành phố.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của chính quyền TP. Hà Nội và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố trong việc theo sát quá trình các cơ quan xây dựng văn bản để có kiến nghị kịp thời. Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc áp dụng pháp luật đối với các chính sách liên quan đến Thủ đô.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật vì Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu chỉ thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, do đó, nội dung này cần được tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa để áp dụng ổn định, lâu dài. Có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm vì phạm vi đối tượng thụ hưởng rất lớn.

Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39), đa số ý kiến tán thành với đề xuất như trong dự thảo Luật để tạo thêm nguồn lực cho phát triển Thủ đô. Có ý kiến đề nghị nội dung này cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng trước khi quy định trong Luật bởi hiện nay pháp luật về đất đai không cho phép thu hồi đất mà không gắn với đầu tư dự án trên phạm vi đất được thu hồi, hơn nữa, việc phát triển TOD hiện nay mới chỉ được thí điểm ở một số khu vực tại TP.HCM.

Về vùng Thủ đô (Điều 46), có ý kiến cho rằng việc xác định vùng Thủ đô trong dự thảo Luật đang có sự đan xen, chồng lấn với phạm vi của một số vùng phát triển kinh tế - xã hội hiện có. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật cần tập trung quy định về mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương của các tỉnh giáp ranh nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiều địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần cho phép các địa phương có quan hệ liên kết vùng với Thủ đô được áp dụng một số chính sách đặc thù như thành phố Hà Nội để bảo đảm hỗ trợ phát triển Thủ đô một cách thuận lợi, có hiệu quả...

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
TRỰC TIẾP: Lễ tuyên thệ của tân Chủ tịch Quốc hội
Ngày 20/5, trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội. Sau khi Nghị quyết được thông qua, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Mới nhất