Du học sinh nghiện game đến loạn thần, chỉ mơ giải cứu hành tinh

17/10/2023, 08:21

Bệnh nhân T mắc chứng loạn thần, không tắm rửa, ít ăn, không ngủ, hoang tưởng là nhà lãnh đạo hệ thống công nghệ thông tin, lo chuyện giải cứu hành tinh.

Nghiện game đến loạn thần

Các bác sỹ, điều dưỡng Khoa tâm thần người cao tuổi của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) vẫn còn nhớ cách đây 2 tháng, họ đón một bệnh nhân ở Hà Nội được gia đình đưa vào điều trị vì nghiện game khá đặc biệt.

Bệnh nhân M.T, 20 tuổi, hiện là du học sinh ở Mỹ. 

Du học sinh nghiện game, phải điều trị chứng loạn thần. (Ảnh minh họa)

Du học sinh nghiện game, phải điều trị chứng loạn thần. (Ảnh minh họa)

Được 3 người đưa vào viện nhưng bệnh nhân T rất hung hăng, đôi mắt ngây dại, nước da xanh tái nhợt nhạt, sơ hở là bỏ chạy ngay.

Điều dưỡng cho biết, bệnh nhân T là con trai duy nhất trong gia đình có điều kiện, bố là bác sỹ, mẹ là cán bộ ngân hàng.

Năm lớp 10, gia đình cho T đi du học ở Mỹ. Tuy bên Mỹ có người thân nhưng ở cái tuổi nổi loạn, xa gia đình nên T sống khép kín, ít giao tiếp và thường xuyên sử dụng máy tính.

Bố của T kể, thời gian đầu du học, khi được nghỉ hè, T sẽ về nước thăm bố mẹ. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm, T liên tục nói bận kiếm tiền qua mạng, lập trình trang web để có thêm kinh nghiệm nên không có thời gian về thăm nhà. 

Ở nhà, nghe con nói vậy bố mẹ T rất mừng nên khi con cần tiền, gia đình đều đáp ứng ngay. Đầu năm 2023, dỗ ngọt mãi con trai mới chịu về nước. Nhưng điều làm bố mẹ T sốc là lúc đi du học, con nặng gần 100kg, còn bây giờ chỉ còn gần 40kg.

Vốn dĩ là cậu bé sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh và ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, vậy mà từ khi về nước, T bắt đầu không ăn, không ngủ, thậm chí không đi vệ sinh hay tắm rửa. Tối đến, T thường đi tới đi lui, nói chuyện một mình, thỉnh thoảng hét thất thanh.

Chứng kiến “quý tử” mặt ngây dại, suốt ngày nói trong vô thức "chỉ muốn chỉ đạo ai đó để cứu đất nước khỏi suy vong", bố mẹ T sốc, khóc không thành tiếng.

Thương con, nhưng cũng vì xấu hổ, không muốn gia đình, bà con họ hàng hay hàng xóm biết, nên khi phát hiện được những dấu hiệu lạ, gia đình đưa T vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để khám và điều trị.

Giấu bệnh chứ không chữa bệnh

Điều dưỡng trực tiếp điều trị cho T nhận xét đây là nam thanh niên giỏi công nghệ thông tin.

Đối với bệnh nhân T, phải sử dụng 3 phương pháp là liệu pháp tâm lý (giải thích lợi, hại của game và những nguy cơ mắc phải); liệu pháp thư giãn và liệu pháp gia đình kết hợp với điều trị thuốc.

Theo điều dưỡng, thời gian đầu đưa vào khám, gia đình vẫn không chấp nhận con bị loạn thần, chỉ nói với các bác sỹ rằng T nghiện game, lười ăn và không chịu ngủ. Tuy nhiên, T nhập viện trong tình trạng loạn thần nặng, tưởng mình là nhà lãnh đạo cấp cao, phải duy trì kết nối mạng để điều hành quốc gia.

"T dẫn tới tình trạng như thế này vì gia đình quá nuông chiều, muốn gì cũng đáp ứng. Nếu không đáp ứng yêu cầu, T sẽ dùng yêu sách ví dụ như không ăn, không ngủ, mà đối với gia đình có điều kiện thì sợ nhất là con đói", điều dưỡng kể.

Về trường hợp này, điều dưỡng cảm thấy rất tiếc, vì thời gian đầu điều trị, T đáp ứng thuốc và các phương pháp. Tuy nhiên, quá cưng chiều con nên mẹ T yêu cầu khoa phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của con trong quá trình điều trị như không bận đồ bệnh nhân, coi TV theo chương trình T thích, đòi sử dụng điện thoại, Zalo, Facebook.

Về đêm, T thường không ngủ mà đi tới đi lui, gọi nhân viên vào kể chuyện, sau đó lý sự cùng nhân viên về câu chuyện thế giới, giải cứu đất nước, giải cứu hành tinh.

Chính vì quá được nuông chiều, nên T không chấp nhận ở bệnh viện điều trị nữa. Sau đó, gia đình quyết định đưa T về Hà Nội, làm thủ tục để T qua nước ngoài du học và làm việc.

Khoa tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 2, nơi bệnh nhân T từng điều trị.

Khoa tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 2, nơi bệnh nhân T từng điều trị.

Theo thông tin mà các điều dưỡng nắm được, sức khỏe của T hiện không tốt, không ăn, không ngủ, chỉ suốt ngày dính vào game. Mẹ của T cũng nghỉ công việc ngân hàng để qua nước ngoài phục vụ con.

Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10 - 24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo. Tình trạng trẻ nhập viện vì nghiện game là thường xuyên.

Về nguyên nhân người trẻ nghiện game, các chuyên gia cho rằng do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, thể hiện bản thân và cảm xúc của trẻ.

Nhiều trường hợp cảm thấy sự yếu kém của bản thân do thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng. Các bạn trẻ sẽ khẳng định bản thân ở thế giới ảo.

Đặc biệt, bây giờ chơi game có thưởng, người chơi còn được nhập vai, kể chuyện, dễ dàng chia sẻ cảm xúc cá nhân; tương tác, thực hiện nhiều ý tưởng mà hiện tại khó thực hiện được trong game. Chính điều này tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ, làm người chơi dễ lạm dụng.

Bên cạnh đó, gia đình là một phần quan trọng đối với trẻ em độ tuổi này. Nếu gia đình nuông chiều, đáp ứng mọi điều kiện của con mà không có sự kiểm soát, giáo dục, hướng dẫn thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Lâm Ngọc

Bài liên quan
Nghiện game, tiến sĩ lương nghìn USD mất trắng sự nghiệp, nhập viện tâm thần
Là du học sinh từ nước ngoài về, được nhiều công ty săn đón, nhưng người đàn ông 30 tuổi lại chìm đắm trong game đến mức phải nhập viện tâm thần.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
Mới nhất