
Cuối năm 2022, Hà Nội quyết định dỡ bỏ hàng rào công viên Thống Nhất và dần triển khai tại các công viên trên địa bàn Thủ đô để trả lại không gian công cộng, tạo điều kiện vui chơi, giải trí một cách thoải mái nhất cho người dân. Tuy nhiên, tại công viên này, mới chỉ dỡ bỏ hàng rào ở khu vực cổng chính hướng phố Trần Nhân Tông, 3 hướng còn lại vẫn giữ nguyên hàng rào, gây khó khăn cho người dân tiếp cận công viên.
Tại Công viên Cầu Giấy, hàng rào khu vực phố Trương Công Giai và Hoàng Quốc Việt đã được dỡ bỏ một phần. Những phần chưa được dỡ bỏ đang bị rỉ sét, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Mới đây, hồi đầu tháng 1 vừa qua, Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã dỡ hàng rào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, trên 2 đoạn: phố Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn, tạo không gian mở và có thể đổi tên thành Công viên Võ Thị Sáu.

Đánh giá về hiệu quả của việc dỡ bỏ hàng rào công viên trong thời gian qua, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, các công viên là không gian công cộng để phục vụ cộng đồng. Việc các công viên hạ rào, phá bỏ tường rào là động thái rất tốt. Tuy nhiên, việc hạ rào không có nghĩa là các công viên đó là một vườn hoa, mọi người có thể sử dụng tùy tiện hoặc muốn làm gì thì làm; Việc hạ rào đã làm cho cảnh quan công viên thân thiện với người dân hơn, người dân đến đây không chỉ hưởng thụ không gian xanh, mát mà họ thấy được trách nhiệm của mình để có ý thức cùng bảo vệ, giữ gìn công viên, lá phổi xanh của thành phố.

Cũng theo ông Tùng, bên cạnh sự tiện lợi, việc hạ rào công viên còn bộc lộ một số vấn đề. Trước đây có tường rào, công viên có giờ đóng cổng, mở cổng, “bức tường” này góp phần ngăn cản hành vi phá hoại hoặc những hành vi tiêu cực xảy ra trong công viên. Khi đã hạ hàng rào, vấn đề đặt ra là bảo vệ khuôn viên công viên như thế nào? Chúng ta đang sống trong thời kỳ số hóa, công nghệ số rất phát triển, cần có những biện pháp như lắp đặt camera giám sát. Cùng với đó, phải tận dụng cả lực lượng dân phòng tại khu vực có công viên để cùng tham gia, cùng gìn giữ. Đồng thời, nhắc nhở người dân khi vào công viên phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ, ví dụ, vào công viên thì không được dắt chó, hoặc dắt chó thì phải rọ mõm, không để chó chạy lung tung; Không vệ sinh bậy bạ trong công viên; Không được hái hoa hay giẫm đạp lên cây cỏ, tạo điều kiện để người dân đi lại thoải mái, có ghế nghỉ chân, có ghế dừng chân; Phải có nhà vệ sinh công cộng, có người trông nom sạch sẽ…
“Công tác truyền thông phải được thực hiện tốt để nâng cao ý thức cho người dân, dần dần hình thành thói quen và trở thành văn hóa, văn minh đô thị. Có những công viên đặc thù không thể thực hiện hạ rào, như công viên có nuôi thú thì phải có tường rào để đảm bảo an toàn nhưng cánh cửa lúc nào cũng rộng mở để đón khách. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ có không gian xanh công cộng, thân thiện, đóng góp vào sự phát triển của thành phố cũng như cải tạo khí hậu, làm cho môi trường thành phố trong sạch hơn, con người gần gũi với thiên nhiên hơn; con người với con người thân thiện với nhau hơn, nơi đấy sẽ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng rất bổ ích, có văn hóa của một đô thị trong thời kỳ phát triển mới”, KTS. Phạm Thanh Tùng bày tỏ.

Song song với những lợi ích mà công viên mở mang lại cho người dân Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng, việc dỡ bỏ hàng rào mới chỉ được thực hiện một phần tại một số công viên, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.
Lý giải vấn đề này, ông Tùng cho hay, hiện nay, Công viên thống nhất đã hạ rào 2/3 công viên, một số công viên khác cũng vậy, phần còn lại phải phải dỡ bỏ từ từ, để công tác bảo vệ hiệu quả; Phải trang bị nhiều camera giám sát; giáo dục kiến thức công dân, từ đó vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Mục đích cuối cùng để “trả lại” một công viên theo đúng nghĩa, phục vụ nhân dân Thủ đô.
“Để việc hạ rào công viên thực hiện triệt một cách triệt để và đem lại hiệu quả tốt nhất cho người dân thì cần tiến hành 2 việc. Thứ nhất là xem xét khả năng quản trị của chính quyền địa phương. Thứ hai, cần nâng cao ý thức của công dân, trách nhiệm của tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn, đồng thời, tạo sức hút cho công viên, tức chăm sóc, nâng cao chất lượng công viên để thu hút nhiều người dân đến vui chơi giải trí. Từ đó người dân ý thức rằng, việc bảo vệ công viên không chỉ của thành phố mà còn của cả cá nhân mình, bản thân mình đang được hưởng thụ thì mình phải có trách nhiệm tham gia giữ gìn và bảo vệ nó”, ông Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, việc hạ rào công viên, nhìn vào cảnh quan đã thấy được ý tưởng mà nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nói đến, tức là thành phố trong công viên và công viên trong thành phố. Thành phố với công viên gắn bó chặt chẽ với nhau và tạo ra cảnh quan rất gần gũi với cuộc sống của người dân, tạo cho con người cảm giác bình yên, tĩnh lặng và xanh-sạch-đẹp.

Tuy nhiên, vì không có hàng rào ngăn cách nên vẫn có một bộ phận người dân thiếu ý thức khi đến công viên, còn dẫm đạp lên hàng rào hoa, còn dắt chó không rọ mõm đi vào công viên, không biết bảo vệ tài sản chung như hoa, ghế đá trong công viên….
Việc nhiều công viên mới hạ được một phần tường rào, ông Đặng Hùng Võ cho rằng: “Việc hạ rào chưa làm triệt để. Việc làm này cần mang tính đồng bộ, mang tính tổng thể như chủ trương lớn của Hà Nội, nếu nuốn xây dựng thành phố Hà Nội tươi đẹp và từng bước hiện đại hóa. Bên cạnh đó là việc nâng cao dân trí của người dân Hà Nội. Những người đã sống ở đây lâu thì dân trí khá cao, nhưng tại các đô thị lớn, tình trạng di cư tạo nên dân tứ chiếng, trình độ dân trí chênh lệch, nhiều người vẫn chưa ý thức trong việc giữ gìn và nhận thấy cần có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ công viên - tài sản chung của xã hội. Tôi cho rằng, việc nâng cao dân trí của các đô thị Việt Nam chưa được quan tâm một cách thấu đáo”, GS. Đặng Hùng Võ cho hay.
Ông Đặng Hùng Võ cho biết thêm, cần đưa ra chủ trương như một chủ trương lớn của thành phố là tạo ra xu hướng: công viên là không gian rất cần thiết, phải cải tạo nó và hướng tới thành phố - công viên hòa lẫn với nhau, tạo ra khung cảnh yên bình, sạch – đẹp; Cần giáo dục và nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống tại đô thị; Cần giáo dục cho học sinh về ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài sản chung, trong đó có bảo vệ công viên, công trình cảnh quan của Thủ đô.
Ý kiến khác cũng cho rằng, khi đã xác định công viên mở thì phải thực sự mở, việc tháo dỡ không đồng bộ có thể gây lãng phí nhân công, vật liệu do biến động giá cả. Việc này đã có nhiều bài học, do đó đã có kế hoạch, thiết kế thì phải triển khai đồng loạt, dứt điểm để tránh lãng phí và mất mỹ quan đô thị.