Điểm tựa tinh thần của những “bệnh nhân” đặc biệt ở vùng cao

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc | 25/02/2023, 08:59

Ở tỉnh miền núi Sơn La có những trạm y tế đặc biệt, với những con người thầm lặng, vượt khó; họ không chỉ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho bà con, mà còn góp sức, đồng hành với những người nghiện đang điều trị tại cộng đồng, giúp những “bệnh nhân” đặc biệt có thể cải thiện sức khỏe, hòa nhập và ổn định cuộc sống.

Đều đặn mỗi ngày, tại Trạm Y tế xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La), những người đang điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã có mặt từ sớm để uống thuốc. Điểm cấp, phát methadone này đã duy trì hoạt động hơn 7 năm nay, là điểm tựa tinh thần đặc biệt của những người nghiện đang điều trị tại cộng đồng.

Ông Lò Văn Đích - bệnh nhân đang điều trị methadone ở xã Mường Bú tâm sự: Trước đây khi sử dụng thuốc phiện, cơ thể ốm yếu, gầy gò, nặng chưa đến 40 kg. Sau hơn 5 năm kiên trì điều trị, nay ông đã tăng thêm 7kg, tinh thần cũng phấn chấn hơn, cuộc sống dần ổn định trở lại: "Từ ngày điều trị methadone tôi thấy người khoẻ hẳn lên. Mỗi ngày đến trạm uống một lần, dư dả thời gian để về tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi lợn gà. Các cán bộ ở đây rất quan tâm, luôn động viên tư tưởng, động viên tôi uống đều để đạt hiệu quả tốt nhất".

Đồng hành với ông Đích và hơn 100 người đang điều trị nghiện trên địa bàn, các y, bác sỹ Trạm Y tế xã Mường Bú phải rất nỗ lực, trách nhiệm và tâm huyết. Bởi công việc của y tế cơ sở vốn đã rất vất vả, áp lực; việc cấp, phát methadone lại phải thực hiện hằng ngày, không kể thứ 7, chủ nhật, hay ngày lễ tết. Thêm nữa, điều trị nghiện tại cộng đồng đòi hỏi sự kiên trì, tự giác; thế nhưng, không phải ai cũng làm được điều đó.

Bác sỹ Lò Văn Lan, Phó trưởng trạm Y tế xã Mường Bú và điều dưỡng Hà Thị Hồng, cán bộ Trạm chia sẻ: "Địa bàn xã Mường Bú rộng, đối tượng nghiện nhiều, việc cấp phát methadone cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người có tâm lý là đến lúc nào là muốn được phát thuốc lúc đấy, có lúc đến từ 5h sáng. Một số người thì hay bỏ liều, không đến uống thuốc thường xuyên"....

"Trong trạm luân phiên nhau, ngày trực của ai thì người đó sẽ thực hiện cấp, phát thuốc. Vì số lượng người điều trị trên địa bàn xã rất đông, giờ quy định là 7 – 9h sáng nhưng chúng tôi thường phải có mặt sớm hơn. Chúng tôi cũng nắm bắt tâm tư của mọi người, tư vấn, động viên, làm sao để mọi người tuân thủ điều trị, không bỏ liều dù chỉ 1 – 2 ngày", bác sỹ Lò Văn Lan nói.

Không chỉ cấp, phát thuốc tại Trạm, các y, bác sỹ Trạm Y tế xã Mường Bú còn dành thời gian tới từng bản, từng nhà thăm khám cho người nghiện có sức khỏe yếu. Đặc biệt là quan tâm sát sao, động viên người nghiện và gia đình kiên trì điều trị, không nản chí, chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh có thể lây nhiễm như HIV, viêm gan C, viêm gan B...

Bà Cầm Thị Lan, bản Phiêng Bủng 2, xã Mường Bú có chồng đang điều trị nghiện bằng methadone và điều trị ARV (HIV), chia sẻ: "Chồng tôi sức khoẻ yếu, không tự đi lại được, gia đình cũng rất khó khăn... May mắn được các y bác sỹ quan tâm, thường xuyên tới thăm hỏi, kiểm tra sức khoẻ cho chồng và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, điều trị và phòng lây nhiễm".

Là địa bàn có số người tham gia điều trị methadone cao, khoảng 420 người, chiếm gần 40% người điều trị methadone của tỉnh Sơn La, huyện Mường La hiện có 1 cơ sở điều trị tại Trung tâm y tế và 5 cơ sở cấp, phát methadone tại các trạm y tế xã – những nơi có nhiều người nghiện các chất dạng thuốc phiện sinh sống; giúp họ giảm gánh nặng và được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Chúng tôi cùng UBND các xã, thị trấn, công an, các trạm y tế rà soát đối tượng có nghiện chất dạng thuốc phiện tại từng bản, cử anh em xuống trực tiếp vận động để người nghiện tham gia điều trị. Người nghiện sau khi khởi liều, uống methadon từ 7 – 10 ngày tại Trung tâm y tế, chúng tôi sẽ chuyển về theo dõi tại các cơ sở cấp phát tại Trạm Y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. Trong quá trình đó chúng tôi thông tin thường xuyên để điều chỉnh liều sao cho phù hợp".

Sự góp sức của đội ngũ y tế cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Sơn La đã góp phần chữa trị, cai nghiện cho nhiều người, hạn chế tình trạng sử dụng các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp, giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc điều trị methadone còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các y, bác sỹ nơi đây mong muốn sự chung tay, vào cuộc hơn nữa của cả cộng đồng để giúp đỡ những “bệnh nhân” đặc biệt./.

Bài liên quan
Bác sĩ chỉ mẹo tăng thị lực cho mắt với quy tắc 20-20-20
Khoảng 30% cận thị ở trẻ liên quan đến yếu tố di truyền, còn lại do lối sống sinh hoạt hằng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất