
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 638 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, với tổng số 394 nghìn trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên; hơn 24,7 nghìn người là nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên trường học, trong đó có 20,2 nghìn giáo viên, giảng viên; 95,8% số phòng học được kiên cố hóa, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hướng dẫn việc sắp xếp các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện sau khi chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; sớm hướng dẫn mô hình tổ chức các trường học khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó là nghiên cứu chuyển các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện hiện nay về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo(để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn liên xã dân tộc thiểu số và miền núi); hướng dẫn cụ thể việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Thông tư số 14/2024/TT-BGDĐT làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ, thực hiện tự chủ đối với cơ sở giáo dục; tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống giáo viên, nhất là khu vực miền núi, biên giới...
Trao đổi, làm rõ những nội dung đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: Hệ thống giáo dục sẽ thay đổi phù hợp với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy chính quyền 2 cấp. Ngành giáo dục và đào tạo xác định những điểm cốt lõi, nguyên tắc riêng có để đảm bảo duy trì giữ nguyên trong quá trình diễn ra sắp xếp các đơn vị hành chính, đặc biệt là duy trì hiện trạng các trường học hiện có và sẽ điều chỉnh, xử lý từng bước cho phù hợp với mô hình chính quyền mới. Việc phân chia quản lý giữa cấp sở với cấp xã sau hình thành không được cứng nhắc, làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học, theo tinh thần chung là “vừa chạy vừa xếp hàng”.