Đề xuất siết chặt hoạt động livestream: Tăng cơ hội cho truyền thông chân chính

Thanh Hương/VOV2 | 20/09/2023, 09:18

Việc định danh và siết chặt quản lý hoạt động livestream sẽ có lợi hơn cho cả nền tảng cung cấp dịch vụ livestream, tạo cơ sở thuận lợi cho các công ty truyền thông chân chính phát triển, kinh doanh theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, kết nối người dùng mọi lúc, mọi nơi. Tận dụng tính năng này, nhiều người dùng mạng xã hội đang sử dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) cho nhiều mục đích khác nhau như bán hàng trực tuyến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm….

Theo anh Nguyễn Đăng Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và giải trí Vitamin Network: Sự ra đời của tính năng livestream cùng với sự phát triển rất mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là tiktok đã giúp cho ngành truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng.

“Tính năng livestream đang được rất nhiều người đón nhận và mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là lợi ích mang tính thương mại dành cho cộng đồng mạng hiện tại”, anh Quỳnh khẳng định.

Theo như chia sẻ của anh Đăng Quỳnh, thời gian vừa qua, Công ty Truyền thông và giải trí Vitamin Network có một đội ngũ tiktoker thường xuyên livestream và là cây cầu nối giữa các nhãn hàng uy tín, chất lượng với người tiêu dùng cả nước, quảng bá sản phẩm, các nét đẹp của đất nước con người Việt Nam. Đặc biệt Vitamin network còn thường xuyên tham gia các chiến dịch quảng bá nông sản cho các bà con ở vùng cao đến tay của người dùng. Điển hình như gần đây nhất là chiến dịch quảng bá chương trình Ocop của Sơn La, qua đó đã bán khoảng 5 tấn nhãn đặc sản của địa phương này đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung mang tính tích cực, lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh chóng của không gian mạng với tính năng livestream, những năm gần đây mạng xã hội trở thành nơi phát tán nội dung phản cảm, xấu độc. Thậm chí có người chuyên dùng livestream để bày tỏ chính kiến cá nhân bằng những ngôn từ tục tĩu, trái với thuần phong mĩ tục. Đi xa hơn, đó là việc dùng hình thức livestream để bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, vi phạm pháp luật.

Anh Đăng Quỳnh cho rằng, việc người dùng mạng xã hội lợi dụng livestream để phát tán nội dung truyền thông bẩn mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và có những tác động rất lớn đến với các bạn trẻ, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội. “Rất nhiều giang hồ mạng đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các bạn trẻ. Khi các bạn học hành vi trên mạng xã hội, những thông tin không được kiểm chứng, không đúng với chuẩn mực về văn hóa, điều đó vô hình chung tác động thực trong đời sống”.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với những quy định khá rõ ràng, theo từng đối tượng. Trước đó, Luật An ninh mạng có hiệu lực cũng đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, hình thức livestream với những nội dung tiêu cực vẫn ngày càng phổ biến. Phân tích nguyên nhân, anh Quỳnh cho rằng: Trước hết do bản chất của việc livestream là rất dễ thực hiện, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, có internet là bất kỳ ai cũng có thể thực hiện hình thức phát trực tiếp này, trong khi đó nội dung của những livestream này cũng rất khó để kiểm duyệt.

Bên cạnh đó một nguyên nhân nữa theo anh Quỳnh là do chính công chúng, những người xem hiếu kỳ cũng đang tiếp tay cho việc phát tán những nội dung không phù hợp. “Người tiêu dùng thông thái biết lựa chọn trong việc không đọc, không xem, không chia sẻ các nội dung xấu, độc hại, thì nó sẽ không tạo ra những vấn đề đó nữa".

Trước thực trạng tràn lan các livestream mang nội dung xấu, độc, mới đây tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất chỉ các mạng xã hội có giấy phép (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream).

Theo lý giải của ban soạn thảo, quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

Nêu quan điểm về đề xuất này, anh Đăng Quỳnh cho rằng, trong bối cảnh sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội cũng như hình thức livestream trực tuyến đang bùng nổ thì quy định này cực kỳ cần thiết, sẽ giúp được cơ quan nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn các nội dung đăng tải và tạo cơ sở thuận lợi cho các công ty truyền thông sạch có đường hướng rõ ràng để phát triển và kinh doanh theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.

“Việc định danh và siết chặt quản lý hoạt động livestream sẽ giúp hạn chế tình trạng bán hàng giả, hàng chất lượng kém. Điều này cũng sẽ có lợi hơn cho cả nền tảng cung cấp dịch vụ livestream, các mạng đa kênh và những nhà sáng tạo nội dung muốn làm ăn chân chính”, anh Quỳnh khẳng định.

Không chỉ anh Quỳnh, nhiều chuyên gia truyền thông khác cũng bày tỏ quan điểm đồng tình ủng hộ đề xuất này và cho rằng việc Nhà nước có quy định quản lý hoạt động livestream là hành động nên làm. Đây cũng sẽ là bước khởi đầu cho nhiều chính sách khác, buộc các nền tảng phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo nội dung.

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có có người băn khoăn lo ngại: Việc quy định mới sẽ tạo gánh nặng lưu trữ, bảo mật cho các nhà cung cấp dịch vụ, các mạng xã hội và khó khả thi trong vận hạnh. Đặc biệt việc chặn nội dung không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet sẽ tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng Internet mở toàn cầu? Anh Đăng Quỳnh cho rằng, cơ quan nhà nước cũng cần thử nghiệm để phù hợp với thị trường Việt Nam. Nhưng ở góc độ của một chuyên gia truyền thông, anh mong muốn đề xuất này sớm được thông qua, áp dụng trong thực tiễn và anh tin tưởng sẽ khả thi. Bởi nhìn từ thực tế của đất nước Trung Quốc, một thị trường tỷ dân đã triển khai quy định này nhưng không hề bị cô lập, thậm chí còn giúp cho sự phát triển của ngành công nghiệp số trong đó có hoạt động livestream gặt hái rất nhiều thành công. ị trường tỷ dân Trung Quốc.

“Vấn đề là cần có những quy định chế tài nghiêm minh, công khai, minh bạch mới giúp cho không gian mạng xã hội của Việt Nam văn minh và trong sạch hơn”, anh Quỳnh khẳng định.

Bài liên quan
Săn hàng livestream xả kho cuối năm: Cẩn thận kẻo nhận trái đắng
Lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân, nhiều chiêu thức lừa đảo như giả danh shipper, bẫy xả kho giá rẻ trên livestream đang được các đối tượng tung ra một cách tinh vi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất