Đề xuất nâng lương khởi điểm cho bác sĩ, nhân viên y tế khu vực biên giới, hải đảo

Chu Đức/VOV Giao thông | 24/04/2023, 09:41

Chính sách hiện nay đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng, nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, chú trọng nhân lực làm việc tại trạm y tế xã về y tế dự phòng.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức; bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Nhằm tìm hiểu đề xuất này cũng như những kiến nghị xoay quanh lương và thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bác sĩ Phạm Hải - Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, TP.Hải Phòng.

PV: Thưa bác sĩ, là người công tác lâu năm tại khu vực biên giới hải đảo, bác sĩ đánh giá như thế nào về đề xuất nâng lương khởi điểm lên bậc 2 cho bác sĩ tại cơ sở y tế?

Bác sĩ Phạm Hải: Theo tôi, đề xuất này thực sự cần thiết với y bác sĩ nói chung và bác sĩ nói riêng. Bởi với điều kiện kinh tế như bây giờ, đặc biệt chúng tôi học đại học 6 năm mới ra trường, trong khi các chuyên ngành trường khác học 4-5 năm là ra trường, và cùng khởi điểm với mức lương hệ số 2,34.

Chúng tôi sau khi học 6 năm vẫn chưa thể làm việc được ngay, mà phải học 18 tháng mới có chứng chỉ hành nghề, thậm chí phải học chuyên khoa nữa mới có thể làm việc thực sự.

Với thực tế như vậy, nâng lương khởi điểm bậc 2 cho bác sĩ là rất hợp lý.

PV: Có ý kiến cho rằng, nâng lương với mức nâng không lớn như vậy cũng chưa đủ tạo ra đột phá về thu nhập, để hạn chế tình trạng chảy máu nhân lực cho hệ thống y tế công. Vậy bác sĩ có đề xuất gì về mức đãi ngộ cho nhân lực y tế để thu hút và giữ chân họ làm việc tại tuyến cơ sở?

Bác sĩ Phạm Hải: Với cá nhân tôi công tác tại vùng biên giới hải đảo, trung tâm y tế quân dân y duy nhất của Hải Phòng cũng được sự quan tâm của UBND TP tạo điều kiện với mức lương 2,5 lần so với mức trung bình của thành phố. Nhưng với gần 20 năm công tác ở đảo, tôi thấy rằng, tuyển được bác sĩ ở đảo cũng rất khó khăn, dù có nhiều chế độ khuyến khích của thành phố.

Hiện nay, đầu vào của y bác sĩ rất cao, điều kiện để các cháu, các em ra trường lựa chọn nơi làm việc trong đất liền rất nhiều. Đặc biệt, thời điểm này, nhiều bệnh viện tư có chế độ lương rất cao, môi trường làm việc tốt.

Với các y bác sĩ trong hệ thống công lập thì ngoài nâng lương bậc 2 khởi điểm, cũng cần sự động viên để họ ra trường gắn bó với Trung tâm y tế, y tế cơ sở. Chúng tôi có đề xuất đãi ngộ thêm, ví dụ với bác sĩ mới ra trường ra đảo công tác thì được hỗ trợ 200 triệu đồng, bác sĩ sau đại học thì 300 triệu đồng. Nếu là bác sĩ nội trú, chuyên khoa II Tiến sĩ thì 400 triệu đồng.

Đây là những hình thức để chúng tôi thu hút y bác sĩ có trình độ ra công tác tại các cơ sở  y tế công lập, đặc biệt là nơi vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo như Bạch Long Vĩ.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất