Bến Tre là địa phương có đến 4 con sông lớn bao quanh gồm: sông cửa Đại (nhánh sông Tiền), sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Mỗi năm, nước mặn từ biển theo các con sông này bao trùm hết địa bàn tỉnh Bến Tre. Đặc biệt sông Hàm Luông xâm nhập mặn sớm và sâu nhất. Các năm qua, nước mặn trên 10 phần nghìn xâm nhập hết sông Hàm Luông và con tràn qua sông Tiền đe dọa gần 10.000 ha vườn cây đặc sản của huyện Cai Lậy, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Do đó, việc xây cống đập ngăn mặn từ cửa sông Hàm Luông là nhằm phục vụ công tác phòng chống nước mặn tấn công, trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất mang tính khu vực.
Sông Hàm Luông tách ra từ sông Tiền tại địa bàn xã Tân Phú, huyện Châu Thành, làm ranh giới tự nhiên giữa cù lao Bảo và cù lao Minh, dài 70km, đổ ra biển Đông.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, để giảm nguồn kinh phí và lợi ích kép, tỉnh có ý tưởng sẽ đề xuất xây cống đập ngay cửa sông Hàm Luông kết hợp với làm cây cầu trên sông trong tuyến đường ven biển (thuộc dự án xây dựng tuyến đường ven biển phía Đông của vùng ĐBSCL theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ).
Ông Trần Ngọc Tam cho biết thêm: “Cần làm cống - cầu Hàm Luông trong tuyến đường ven biển vì sông Hàm Luông có đặc điểm tới mùa hạn mặn có xâm nhập mặn sớm, sâu và độ mặn rất cao so với các con sông khác. Tỉnh muốn làm hết các cửa sông nhưng trước mắt làm tại cửa sông Hàm Luông trước vì nó có lưu lượng xâm nhập mặn quá lớn, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là phục vụ đời sống dân sinh”./.