Đề nghị xử phạt 4 công ty du lịch trong vụ 100 du khách mất liên lạc tại Hàn Quốc

PV/VOV.VN | 09/12/2022, 07:56

Liên quan tới vụ việc khoảng 100 du khách Việt Nam mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc qua sân bay Yangyang ở tỉnh Gangwon, Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP.HCM ban hành Quyết định xử phạt 4 doanh nghiệp du lịch về hành vi vi phạm "Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật".

Theo văn bản của Sở Du lịch TP.HCM, ngày 25/10/2022, Bộ Ngoại giao xác nhận khoảng 100 người Việt bị mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc và sẵn sàng triển khai biện pháp bảo hộ công dân. Những công nhân này mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch qua sân bay quốc tế Yangyang tỉnh Gangwon.

Sau khi kiểm tra, xác minh vụ việc, Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong 100 du khách bị mất liên lạc có 32 khách của các công ty lữ hành trên địa bàn TP.HCM, bao gồm: 23 khách của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten; 3 khách của Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel; 3 khách của Công ty Cổ phần Du lịch Top Asian; 3 khách của Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn.

Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đã xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND TP.HCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với 4 doanh nghiệp nêu trên.

Cụ thể, đề nghị xử phạt 4 đơn vị nêu trên về hành vi vi phạm "Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật". Căn cứ quy định tại điểm c khoản 13 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019, hành vi để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài có khung hình phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng.

Riêng 2 đơn vị là Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten và Công ty CP Du lịch Top Asian, Sở Du lịch TP.HCM đề nghị xử phạt thêm hành vi "Không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định". Theo Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, hành vi này có khung hình phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Sở Du lịch TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, quy định tại điểm b khoản 15 Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, đó là “Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 12, khoản 13 Điều này".

Từ kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý sự việc nêu trên, Sở Du lịch TP.HCM nhận thấy việc xử lý nghiêm vấn đề này cần khẩn trương để tránh những hậu quả phát sinh. Do đó, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Công an để xử lý các doanh nghiệp lữ hành vi phạm; điều tra, triệt phá đường dây có dấu hiệu có tổ chức để hạn chế và ngăn chặn tình trạng khách đi du lịch nước ngoài rồi trốn lại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế và ảnh hưởng mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Điều hành linh hoạt giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
  • Vụ cô giáo ném dép ở Tuyên Quang: Đưa clip lên mạng có vi phạm pháp luật?
    Theo Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN, việc đưa hình ảnh, thông tin của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác lên các trang mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trước khi đưa thông tin, hình ảnh, video lên mạng thì cần phải xem xét thật kĩ để tránh những hậu quả khó lường có thể xảy ra.
  • TNGT liên quan đến trẻ em: Có thể phòng tránh được?
    Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023, trên địa bàn cả nước, TNGT liên quan đến trẻ em (tuổi từ 6-18) xảy ra 881 vụ, trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan đến TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
  • Hà Nội ùn tắc do hạ tầng "chới với" đuổi theo tốc độ tăng phương tiện cá nhân?
    Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm. Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn "chới với đuổi theo” tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Mới nhất