Tại Anh, có đến hàng triệu người mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất là khát nước, mệt mỏi, đi ngoài nhiều hơn và sụt cân. Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết, người bệnh cũng có thể phát hiện ra các dấu hiệu bệnh thông qua đôi mắt.
Chỉ số đường huyết cao là một vấn đề phổ biến đối với bệnh nhân tiểu đường. Theo đó, lượng đường trong máu được kiểm soát bởi insulin do tuyến tụy sản xuất. Nếu bị tiểu đường, cơ thể sẽ không có đủ insulin để vận chuyển glucose vào các mảng tế bào, và insulin được sản xuất cũng sẽ không hoạt động một cách bình thường.
Tiến sĩ Shane Kannarr, nhà phê bình y khoa hàng đầu cho các chuyên gia về thị lực All About Vision cho biết, lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến đôi mắt của bệnh nhân.
“Lượng đường trong máu cao có thể làm thay đổi các mạch máu trong võng mạc hoặc gây sưng tấy các mô mắt, gây ra hiện tượng mờ mắt.
Ngoài ra nó cũng có thể làm thay đổi hình dạng của thủy tinh thể. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bệnh võng mạc", ông cho biết.
TS Kannarr giải thích, có 4 triệu chứng chính có thể xuất hiện ở mắt nếu bạn bị tiểu đường.
Ông cho biết, tầm nhìn bị mờ hoặc méo mó; có hình ảnh đốm đen bay trước mắt; ánh sáng lóe lên và xuất hiện “lỗ hổng” trong tầm nhìn là những dấu hiệu ở mắt cho thấy bạn có thể bị tiểu đường.
TS Kannarr nói rằng, tác động của bệnh tiểu đường đối với mắt bắt nguồn từ việc cơ thể không sản xuất hoặc sử dụng hiệu quả insulin.
"Insulin cùng tuyến tụy xử lý và vận chuyển glucose trong máu từ thức ăn đến các tế bào. Khi quá trình này hoạt động trơn tru, đường huyết sẽ đóng vai trò là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Tuy nhiên, với những người có lượng đường trong máu cao, glucose sẽ ở trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào.
Quá trình này có thể dẫn đến mất thị lực và cuối cùng là mù lòa", TS Kannarr cho biết.
Ông nói thêm rằng, tiểu đường là một căn bệnh ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ. Lượng đường dư thừa trong máu sẽ làm hỏng các mạch máu nhỏ nhất của cơ thể và gây cản trở lưu lượng máu, dẫn đến rò rỉ mạch máu, sưng tấy và thiếu oxy.
"Rò rỉ mạch máu cũng có thể làm thay đổi hình dạng và kích thước của thủy tinh thể, gây ra bệnh đục thủy tinh thể. Điều này cũng gây hại cho võng mạc - phần sau của mắt - nơi hình thành các hình ảnh thị giác", TS Kannarr bổ sung.
Theo TS Kannarr, bệnh tiểu đường có thể gây chảy máu và tạo ra các chất lỏng dư thừa trong võng mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Ông cho biết, các bệnh nhân mắc bệnh mắt do tiểu đường sẽ có kết quả điều trị tốt hơn nếu được chẩn đoán sớm.
"Nhìn mờ là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên và có thể điều trị được. Đáng buồn là hầu hết các bệnh về mắt do tiểu đường đều không có triệu chứng cho đến khi chuyển sang mức độ nghiêm trọng hơn.
Đó là lý do tại sao việc kiểm tra mắt toàn diện hàng năm rất quan trọng. Sau khi mắc bệnh, có thể mất tới ba tháng để thị lực của bệnh nhân trở lại bình thường (nếu được). Nếu không được điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể bị mất thị lực. Trên thực tế, bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù ở người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 74".
TS Kannarr cho biết, ngoài ra, có những dấu hiệu cảnh báo sớm khác của bệnh tiểu đường mà mọi người cần lưu ý.
"Bạn có thể nhận thấy đau đầu, nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, nhìn thấy những đốm đèn tròn mờ và giảm thị lực. Nếu thấy mình gặp phải một hoặc nhiều dấu hiệu cảnh báo này, tốt nhất, bạn nên đi kiểm tra mắt để phát hiện sớm các vấn đề bất thường rồi tiến hành điều trị".
Ông nói rằng, hầu hết các trường hợp bệnh tiểu đường đều không xuất hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu.
"Nếu được điều trị sớm, kết quả điều trị có thể sẽ tích cực, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không có các triệu chứng bệnh liên quan thị giác. Họ có thể gặp 1 số dấu hiệu như nhìn mờ, nhìn thấy gợn sóng trước mắt hoặc không nhìn thấy toàn bộ hình ảnh, tuy nhiên, họ thường không nhận thức được rằng những dấu hiệu trên là rất nghiêm trọng".
Bảo Anh(Nguồn: thesun.co.uk)