Dấu ấn ngoại giao Việt Nam: Chủ động, hội nhập, nâng cao vị thế

27/05/2023, 08:43

Những hoạt động đối ngoại cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta những tháng đầu năm năm 2023 không chỉ truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; mà còn giới thiệu hình ảnh một Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Những tháng đầu năm năm 2023 đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao sôi động của đất nước. Câu chuyện về một Việt Nam năng động, đổi mới luôn hiện hữu trong các diễn đàn cấp cao như Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia; hay trong các chuyến thăm song phương, đa phương của các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta đến các nước đối tác, bè bạn. “Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, đó là thông điệp nổi bật từ những hoạt động đối ngoại quan trọng này. Tất cả đã thể hiện một vị thế mới của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động.                                

Trước hết, phải khẳng định rằng, chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào tháng 4/2023, chuyến thăm và dự lễ đăng quang của Nhà Vua Anh Charles Đệ Tam tháng 5/2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tháng 5/2023 và trước đó là chuyến tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 4/2023; hay chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina, Cộng hòa Đông Urguoay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 4/2023….đã ghi những dấu ấn đặc biệt của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Thông qua những chuyến thăm quan trọng này, chúng ta đã củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, mở ra những xung lực và cơ hội mới để tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong những hoạt động ngoại giao nổi bật này, thông điệp một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, cùng các nước xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định luôn được các nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh đến các nước bạn bè đối tác.

Chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào tháng 4/2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một ví dụ. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa nhiều mặt và “đặc biệt”. Chủ tịch nước  Võ Văn Thưởng đi thăm nước CHDCND Lào đầu tiên ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, thể hiện chính sách nhất quán của ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Chuyến thăm diễn ra trong thời gian chỉ khoảng 30 tiếng đồng hồ, nhưng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có gần 20 hoạt động phong phú, trong đó đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào. Các nhà lãnh đạo hai nước đều khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào với thông điệp “Việt Nam – CHDCND Lào: Sẽ tiếp tục sánh bước bên nhau phát triển giàu mạnh”.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vừa diễn ra tại hành phố Hiroshima (Nhật Bản) là một ví dụ khác cho thấy điều đó. Với khoảng 40 hoạt động tại hội nghị,  trong lần thứ 3 được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng của Việt Nam. Đó là: Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương; phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cân bằng, hợp lý; hài hòa lợi ích giữa các quốc gia để “không ai bị bỏ lại phía sau”; sẵn sàng cùng LHQ và các quốc gia khác giải quyết các vấn đề toàn cầu….

Đáng chú ý, thông điệp của Việt Nam về việc “các quốc gia cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân”; các nước nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982…đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn bè quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Về đa phương ta đã đóng góp cách tiếp cận những giải pháp có ý nghĩa quan trọng từ góc độ của một nước đang phát triển một nền kinh tế đang chuyển đổi, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng toàn diện. Những cách tiếp cận và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Hội nghị được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần tạo ra cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, nhất là trong vấn đề lương thực, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bảo vệ môi trường".

Nếu những thông điệp mà các nhà lãnh đạo Việt Nam chuyển tải ở hội nghị cấp cao G7, cấp cao ASEAN hay trong các chuyến thăm đến các nước bạn bè luôn để lại dấu ấn rõ nét và được các quốc gia đón nhận, thì ở bên kia bán cầu, trong các chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina, Cộng hòa Đông Urguoay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai từ Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.

Với hơn 80 hoạt động và gần 30 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến các nước bạn bè Mỹ Latinh không chỉ thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống mà còn mở ra một giai đoạn phát triển giữa Việt Nam với ba nước trên tất cả các trụ cột quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác nghị viện, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học – công nghệ, giáo dục- đào tạo, giao lưu văn hóa - văn nghệ, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân.

Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba Ángel Arzuaga bày tỏ: “Tôi rất cảm ơn và cảm động về chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ và đoàn Việt Nam luôn bên cạnh Cuba. Việt Nam - Cuba đoàn kết nhất định thắng. Chuyến thăm không chỉ mang tính biểu tượng mà rất thiết thực. Mối quan hệ Việt Nam - Cuba đã, đang và sẽ là hình mẫu của thế giới”.

Có thể nói những hoạt động đối ngoại quan trọng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện dấu ấn đậm nét của Ngoại giao đa phương, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Chúng ta không chỉ giới thiệu một Việt Nam đổi mới, năng động mà còn giới thiệu một Việt Nam là “điểm hẹn” của cơ hội, của tiềm năng và môi trường đầu tư.

Việc bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam và Nhật Bản ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yen cho các dự án Chương trình ODA thế hệ mới là một mính chứng khác. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Trong chuyến công tác đợt này có 3 hiệp định được ký kết với tổng số vốn là 61 tỷ Yên tương đương với 404 triệu đôla Mỹ, có 3 dự án, đặc biệt là với khoản vay là 50 tỷ Yên mà do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nhật và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cam kết để hỗ trợ phục hồi kinh tế và chống dịch covid-19, khoản vay này lãi suất rất thấp, gần như bằng không, 00,01 %/ năm và 50 tỷ Yên này được hòa vào ngân sách. Đây là khoản ODA theo thế hệ mới và cũng là cái đột phá đầu tiên trong khoản vay không có điều kiện đính kèm mà được hòa vào ngân sách. Tôi cho rằng sắp tới sẽ mở ra một cái đột phá về ODA thế hệ mới với đối tác Nhật Bản để chúng ta có thể phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam và các dự án hạ tầng quan trọng khác.”

Trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, những hoạt động đối ngoại cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích dân tộc do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương; với việc phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và việc đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.....Việt Nam cũng đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký các hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Và đây cũng là lý do Việt Nam đã trở thành “điểm hẹn” đón tiếp nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà lãnh tổ chức quốc tế.

Tháng 4/2023, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đón tiếp và hội đàm với Toàn quyền Australia David Hurley  nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền tới Việt Nam. Cũng tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ đón Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Séc thăm chính thức Việt Nam. Tiếp đó là các chuyến thăm Việt Nam của Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel cùng Đoàn đại biểu cấp cao Luxembourg; chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken; chuyến thăm Việt Nam của ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung và mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo - Iweala (En-gâu-di Âu-con-giô Ai-uyn) ….Tất cả một lần nữa đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong các chuyến thăm, các hội nghị cấp cao, các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn nhấn mạnh thông điệp về một Việt Nam không ngừng đổi mới, vươn lên. Với việc xây dựng đất nước dựa vào 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam luôn lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đây cũng là điều được các nhà ngoại giao đang sống và làm việc tại Việt Nam rất hoan nghênh. Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam nhận định: "Trước đây ai cũng biết về Việt Nam qua chiến tranh, nhưng bây giờ mọi người cũng muốn tìm hiểu về Việt Nam qua sự phát triển về kinh tế xã hội và qua những khu du lịch tuyệt vời. Cho nên Việt Nam dần dần sẽ trở nên một lựa chọn rất quan trọng với nhiều người nước ngoài, và họ đi đâu trên hành tinh của chúng ta cũng đều mang theo hai chữ Việt Nam để giới thiệu và truyền bá cho những người bạn bè của họ".

Còn Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, ông Dato Tan Yang Thai khẳng định, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Malaysia và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư: “Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Malaysia. Với nền kinh tế phát triển mạnh, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam không ngừng tăng trong những năm gần đây. Malaysia quan tâm hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp và thủy sản, sản phẩm halal, thực phẩm chế biến, và linh kiện điện tử. Kim ngạch thương mại Malaysia- Việt Nam năm 2022 đạt 19,44 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2021. Đây là một thành công lớn trong bối cảnh mục tiêu kim ngạch song phương đã đặt ra là 18 tỷ USD.”

 Năm 2023 có ý nghĩa bản lề quan trọng nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Đất nước ta đang ở trong thời kỳ chiến lược mới để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Có thể thấy, những hoạt động đối ngoại cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta những tháng đầu năm năm 2023 không chỉ truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; mà còn giới thiệu hình ảnh một Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Từ đó, bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước; triến khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”… Đây cũng là dịp để Việt Nam và các nước bạn bè đối tác tạo thêm xung lực mới cho hợp tác đa phương trong năm 2023 và các năm tiếp theo, vì hòa bình ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất