Đất rừng U Minh ngày ấy, bây giờ

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL | 29/12/2022, 08:30

Người dân đất rừng U Minh hạ ngày ấy tự ti vì đời mình gắn với vùng đất phèn chỉ trồng được cây tràm. Còn giờ đây họ tự tin, tự hào vì đang làm giàu chính trên vùng đất phèn ấy.

Kể về công cuộc khai khẩn đất rừng, những lão nông nơi đây không khỏi thở dài nhưng ngay sau đó là những nụ cười sảng khoái.

Người không phụ đất, đất trả ơn người

Ông Nguyễn Văn Thuần là người gốc Nam Định, học xong Trung cấp Lâm Nghiệp năm 1986 thì về làm cán bộ kỹ thuật tại đất rừng U Minh hạ. Ông Thuần không thể nào quên kỷ niệm lần đầu đi từ Thị xã Cà Mau về với vùng đất U Minh. Khoảng cách chỉ vài chục km nhưng ông phải ngồi tàu đò nửa ngày trời, rồi quá giang xuồng chèo về Lâm trường 30/4, trời tối mịt.

Anh thanh niên dáng người vậm vỡ khi đó đã bị người phụ nữ cho quá giang chọc quê vì không biết chèo xuồng, giọng nói của anh thì luôn phải lập đi lập lại đến mấy lần người dân địa phương mới hiểu. Nhắc đến chuyện xưa, ông Thuần thở dài, rồi lại lắc đầu bảo: “Tôi cũng không hiểu sao tôi ở được tới bây giờ”.

Ông Thuần nói vậy là vì đồng lương của cán bộ lâm nghiệp khi đó còn thấp lắm. Được cơ quan cho mượn 2 ha đất trồng lúa, mỗi năm ông thu được khoảng 2 chục bao lúa/ha. Nhưng khổ nỗi những bụi lúa mùa to bằng nồi cơm, cao ngang đầu người lại cho hạt lép nhiều hơn hạt mẩy. Cũng vì vậy, 5 anh em cùng về công tác với ông đều lần lượt rời bỏ đất rừng U Minh hạ mà đi.

Gắn bó với đất rừng đến năm 1992, ông Thuần lấy vợ và ở tại xã Khánh Hòa (huyện U Minh, Cà Mau). Vợ chồng ông tích góp, mua lại đất canh tác của những người không chịu được khó khăn của mảnh đất rừng giàu phèn, khó thuần hóa. Khoảng năm 2010, khi có chủ trương cho chuyển đổi trồng keo lai ông Thuần cũng theo thời thế thực hiện. Cũng từ đó ông dần cảm nhận được “vị ngọt” của rừng. Mỗi chu kỳ 5 năm, 1 ha keo lai cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Với 15 ha đất rừng đang sở hữu, mỗi lần thu hoạch là một lần gia đình ông Thuần thu tiền tỷ.

Đường về xã Khánh Hòa nay đã thênh thang, nếu ngày ấy ông Thuần mất 1 ngày mới ra tới trung tâm tỉnh Cà Mau thì nay chỉ còn 1 tiếng đồng hồ. Nhìn lại mấy mươi năm bươn trải, góp phần tôn tạo đất rừng, ông Thuần bảo: “đất rừng U Minh đã không phụ mà còn trả công ông xứng đáng”.

“Cần có nhà máy chế biến gỗ đạt chuẩn theo tiêu chuẩn nước ngoài. Có nhà máy chế biến gỗ thì sẽ tận dụng được tất cả những cái sản phẩm từ gỗ để tăng giá trị cây rừng lên, chứ bây giờ toàn bộ mình bán nguyên liệu thô. Lúc đó đời sống của người gắn bó với rừng, làm kinh tế rừng sẽ phát triển nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Thuần chia sẻ.

Kinh tế người dân đất rừng U Minh hạ vốn gắn liền với cây tràm truyền thống. Gần đây, nhiều hộ chuyển đổi trồng keo lai để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn 30% diện tích đất theo quy định được làm nông nghiệp, trồng lúa không hiệu quả thì bà con thay bằng vườn chuối, vườn mít và cả những luống rau màu tươi tốt.

Cú hích chuyển đổi

Ông Võ Minh Giàu (Ba Giàu) là một trong những người đi đầu bỏ lúa trồng chuối ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Vào năm 2016 khi có chủ trương cho trồng cây ăn trái, ông Ba Giàu mạnh dạn lên liếp 4 ha đất đang trồng lúa để trồng chuối.

Hiện mỗi tháng gia đình ông có thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng từ mô hình trồng chuối. Còn đến mỗi chu kỳ thu hoạch cây rừng, gia đình có thêm nguồn thu hơn 1 tỷ đồng từ 8 ha đất trồng tràm và keo lai còn lại. Mật ong, cá đồng và sản vật khác cũng giúp gia đình có nguồn thu đáng kể.

Ông Ba Giàu vốn không phải người cố cựu ở đất rừng U Minh. Sau giải phóng ông mới về mua đất khai khẩn. Thủa ban đầu lắm khó khăn, lão nông phải mang giá (leng) đào bỏ từng gốc tràm, đắp từng con mương để lấy diện tích trồng lúa. Bốn ha đất trồng lúa nhưng có năm gia đình vẫn phải đi vay lúa của người khác để ăn. Tuy vậy, ông Ba Giàu vẫn mang theo quyết tâm phải thuần hóa mảnh đất rừng.

“Vào trong này mình sang lại thành quả lao động của những người muốn buông bỏ mảnh đất này. Mình biết rằng đất nào nó cũng phải có cái giá trị của nó. Như vậy thì mình cố gắng, kiên quyết làm. Đầu tiên là sản xuất bằng chân tay. Buổi ban đầu khó lắm, đất phèn, nhưng mà gia đình cố gắng bám trụ. Làm thế nào để mình phát triển cái kinh tế gia đình, kiên quyết lao động bằng tay chân vươn lên”, ông Ba Giàu nói.

Khi đó, ông Ba Giàu thường phải khai thác những sản vật đất rừng, rồi chèo xuồng hơn 20 km lên thị trấn U Minh để bán lại, rồi mua vật dụng thiết yếu như dầu lửa, đường, muối mang về. Lão nông vẫn nhớ hoài câu hỏi: “ở trong trỏng mới ra hả”. Người dân thị trấn U Minh hỏi vậy không phải quen biết ông Ba Giàu mà bởi chiếc xuồng ông chèo ra có 2 màu khác biệt. Vùng đất rừng U Minh nổi tiếng giàu phèn, chiếc xuồng của người dân phần thường xuyên ngâm dưới mực nước luôn có  màu phèn vàng đặc trưng. Khi các sản vật chở đầy xuồng được bán hết nổi lên thì màu phèn của vùng đất rừng hiện lên rõ nhất.

Ông Ba Giàu thời gian dài cảm thấy tự ti với những câu hỏi mà ông cho là mang nghĩa phân biệt. Lão nông ở vùng lõi đất rừng U Minh hạ không biết có quá nhậy cảm hay không nhưng ông ra thành phố Cà Mau hay đi những tỉnh thành khác đều cảm nhận được “người khác nói đến nơi mình ở thì xem nhẹ”. Nhưng nay đã khác, ông Ba Giàu kể lại câu chuyện này với chúng tôi bằng vẻ đầy khoái chí. Ông khoan khoái bởi chính mảnh đất rừng này đã giúp gia đình ông xây được ngôi nhà hơn 1 tỷ đồng. Con đường nông thôn trước nhà ông hiện chỉ 1,5m chứ nếu là 2,5m thì ông đã mua chiếc ô tô để đi lại cho tiện.

Tuyến kênh T29 xẻ dọc đất rừng U Minh hạ, trong đó có xã Khánh Lâm. Ven theo tuyến đường những vườn chuối, luống mít trải dài tốt tươi thẳng tắp. Khoảng 10 năm trước đây vẫn là tuyến đường đất, sau đó là tuyến đường bê tông 1,5m, còn giờ đây đã rộng 5m. Trên tuyến lộ, những chuyến xe tải dập dìu trở các sản vật đất rừng hướng về trên. Dưới kênh đã không còn những chiếc xuồng ba lá mà thay vào đó là những chiếc ghe cỡ lớn trở tràm, keo lai. Màu phèn đất rừng U Minh vẫn vậy nhưng tâm thế người dân đất rừng đã khác.

Ông Phan Văn Quang, trưởng ấp 12, xã Khánh Lâm hề hà bảo rằng: “ngày xưa đúng là khó thật nhưng nay chưa chắc ở đâu hơn ở đây”, nếu giá cây rừng, giá nông sản ổn định thì kinh tế bà con sẽ ngày càng vững vàng.

“Nói chung bà con nhân dân ở đây cuộc sống là nhờ cây chuối và cây rừng. Hai nguồn đó đảm bảo cho cuộc sống hàng năm. Nếu bình quân giá cây rừng được 100 triệu/ha, còn chuối 2.000 – 3.000 đồng/kg thì thu nhập sẽ rất lớn. Cuộc sống bà con ở đây đảm bảo ổn định”, ông Quang cho hay.

Năm 2010, khi bắt đầu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của huyện U Minh, Cà Mau mới đạt 15 triệu đồng/người/năm; đến năm năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người/năm; hiện đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm. Kết quả này đến từ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trước đây, người dân đất rừng thuần túy trồng cây tràm bên cạnh cây lúa.

Bây giờ, nhiều người dân vẫn trồng tràm nhưng khác biệt là trồng thâm canh với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, các mô hình trồng keo lai, cây ăn trái, hoa màu đang ngày càng giúp bà con vươn lên. Qua đó, bộ mặt đất rừng U Minh hạ ngày càng triển biến tích cực./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Điện Biên Phủ
Chiều 6/5, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 tại tỉnh Điện Biên.
Mới nhất