Đắk Lắk chủ động các phương án dạy học trong bối cảnh thiếu giáo viên

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên | 28/08/2022, 13:04

Trong bối cảnh tỉnh Đắk Lắk đang thiếu 1.260 giáo viên, ngành giáo dục ở tỉnh đã và đang chủ động xây dựng các phương nhằm đảm bảo công tác giảng dạy trong năm học mới này.

Năm học 2022 – 2023 này, Trường tiểu học Cư Pui II, xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông có 1.400 học sinh theo học các lớp từ 1 đến 5. Thầy giáo Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hiện trường thiếu tổng cộng 8 giáo viên. 

“Trường có 37 lớp, tính ra tiếng anh học 4 tiết thì thiếu ít nhất 2 giáo viên, còn tin học cũng thiếu 2 giáo viên. Trường đã kiến nghị Phòng GD-ĐT huyện và đã họp và được nhất trí phương án xin Phòng Nội vụ, UBND huyện mỗi bộ môn 1 biên chế là tiếng anh và tin học, còn thiếu 2 người nữa thì nhà trường sẽ ký hợp đồng thời vụ và khi nào có biên chế thì sẽ phiên hợp đồng qua”- thầy giáo Nguyễn Hồng Thuần cho biết.  

Huyện Krông Bông hiện có 51 trường học từ mầm non đến THCS, với 21.000 học sinh theo học. Ông Huỳnh Viết Trung, quyền Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, ngành giáo dục huyện hiện thiếu 133 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên Mầm non với 80 người, còn lại là 53 giáo viên Tiểu học. Dù đang thiếu trầm trọng giáo viên, nhưng phòng đã và đang chủ động xây dựng các phương án nhằm đảm bảo công tác giảng dạy cho năm học mới. 

“Đối với bậc mầm non, chúng tôi sẽ giảm tỷ lệ trên lớp lại để huy động được số học sinh ra lớp đông hơn, với tỷ lệ bình quân 1,5 giáo viên trên lớp, không bố trí theo chuẩn là 2 giáo viên trên lớp. Đối với bậc tiểu học, chúng tôi vẫn đảm bảo 100% các trường vẫn sẽ dậy tin học, ngoại ngữ theo chương trình mới. Để thực hiện được việc này, phòng sẽ tổ chức xã hội hóa; sẽ dồn lại biên chế để sử dụng nguồn dôi dư và giải pháp cuối cùng là những trường quy mô nhỏ thì giáo viên tin học, ngoại ngữ phải thực hiện việc dạy học liên trường để đảm bảo cho năm học mới”- ông Huỳnh Viết Trung cho biết.

Còn tại huyện Krông Búk, năm học 2022- 2023 này cũng đón khoảng 14.000 học sinh, theo học các bậc từ Mầm non đến THCS tại 46 trường học. Tương tự như huyện Krông Bông, ngành giáo dục huyện Krông Búk cũng đang thiếu 110 giáo viên. Tuy nhiên không giống như Krông Bông, số lượng giáo viên thiếu ở Krông Búk trải đều cả ở 3 cấp học từ Mầm non đến THCS. Trong đó, Mầm non thiếu nhiều nhất với 58 giáo viên, Tiểu học là 38 người, còn lại 18 giáo viên THCS. Ông Nguyễn Đình Khả, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện chia sẻ về kế hoạch giảng dạy của ngành giáo dục Krông Búk năm học mới 2022 – 2023, trong bối cảnh địa phương đang thiếu giáo viên trầm trọng. 

“Phòng Giáo dục tham mưu cho UBND huyện là việc tuyển sinh chưa bố trí đủ theo số lượng của giáo viên. Ví dụ đối với bậc Mầm non quy định là 2,2, và nhu cầu thực là 2,0 giáo viên đứng lớp, thì chúng tôi cho xuống 1,5 đến 1,6 giáo viên đứng lớp thôi để đáp ứng dạy học sinh ra lớp. Bậc Tiểu học là 1,5, mình bố trí xuống khoảng 1,3 hay 1,2 thôi. Bậc THCS thiếu 18 người, môn thiếu môn thừa, cái này sắp xếp lại và bố trí dạy được”- ông Nguyễn Đình Khải cho biết. 

Năm học mới này tỉnh Đắk Lắk có 478.180 học sinh theo học tại 1.071 trường học từ Mầm non đến THPT và Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp. Hiện Đắk Lắk đang thiếu 1.260 giáo viên.

“Đối với Đắk Lắk thì đang chờ giao chỉ tiêu bổ sung của Chính phủ về. Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ số chỉ tiêu được giao bổ sung đó cho các địa phương còn đang thiếu nhiều ví dụ như: Lắk, Krông Bông, Krông Búk, đây là những huyện nghèo. Việc bổ sung sẽ ưu tiên chỉ tiêu bậc mầm non. Những địa phương có kinh tế khá hơn thì tập trung kêu gọi phương án xã hội hóa…”- ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết. 

Với sự chủ động bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên tại các trường học, cơ sở giáo dục cũng như các phương án khác trong bối cảnh thiếu hơn 1.200 chỉ tiêu biên chế giáo viên, ngành giáo dục Đắk Lắk đã sẵn sàng chào đón học sinh tựu trường trong năm học mới./.

Bài liên quan
Nhiều diện tích rừng ở Đắk Lắk có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm
Cao điểm mùa khô ở Đắk Lắk, với nắng nóng gay gắt kéo dài đang khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng, các chủ rừng và người dân đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm chủ động ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, giám sát
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Mới nhất