Đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về xác định giá đất

Ngọc Thành/VOV.VN | 07/04/2023, 18:38

Cho rằng việc xác định giá đất hiện nay có những điểm chưa thể hiện sự công khai, minh bạch đã gây nên những vấn đề tiêu cực, đại biểu Quốc hội mong muốn quy định mới cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu tập trung cho ý kiến sáng 7/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Phải rõ phương pháp trong luật

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, từ trước khi dự thảo được lấy ý kiến nhân dân đến giờ có rất nhiều ý kiến đại biểu, cử tri về việc cần thiết xác định các phương pháp xác định giá đất trong luật.

Đây là một vấn đề quan trọng nhưng các bản dự thảo luật từ trước đến giờ đều chỉ đề cập đến một câu là về phương pháp định giá đất, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, bà đề nghị nêu rõ các phương pháp định giá và trường hợp áp dụng trong luật đối với các nội dung cụ thể, còn cách tính thì giao Chính phủ quy định.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng khó xác định chính xác sát với giá thị trường, do bản thân yếu tố thị trường luôn có biến động. Bà băn khoăn, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất sẽ khó chính xác.

Bởi, thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành.

Do đó, đại biểu đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Xây dựng bảng giá đất hằng là chưa phù hợp?

Dẫn dự thảo luật sửa đổi đã bỏ khung giá đất và cách xây dựng bảng giá khác, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết bảng giá đất sẽ được xây dựng đến từng thửa đất theo vùng giá trị thửa đất chuẩn với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.

Do vậy, thay vì hằng năm, bà đề xuất nên xây dựng chu kỳ 2 năm là phù hợp để giảm thiểu chi phí cũng như thời gian, lực lượng tham gia khảo sát xây dựng bảng giá đất.

Cũng đề cập khía cạnh này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu quan điểm, quy định mới cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả và cần quan tâm đến độ giãn thời gian áp dụng quy định, cách thức xác định giá đất theo phương pháp mới.

Cụ thể, bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm nên sửa đổi thành bảng giá đất được xây dựng định kỳ 3 năm để tránh lãng phí. Quy trình xây dựng bảng giá đất mất rất nhiều thời gian khi qua các khâu xác định để xây dựng bảng giá trình Hội đồng thẩm định, trình UBND cấp tỉnh, trình HĐND thông qua trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành.

Bà cũng đề nghị bổ sung quy định bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi thực hiện dự án.

Quan trọng nhất là số liệu đầu vào đúng

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được hết tranh chấp, lợi dụng hay khiếu nại, tố cáo. Từ luật Đất đai 1993, rồi 2003, tới 2013 Nhà nước đã kiên trì tìm cách giải quyết bài toàn tài chính đất đai.

“Chúng ta đã nói đến giá trị trường, nguyên tắc thị trường, sát giá thị trường, phù hợp giá thị trường, song cách thức chưa lúc nào có thể phát triển được. Nguyên nhân là do thông số đầu vào để xác định giá đất không chính xác.

Để khắc phục điều này, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh, lần này dù không tuyệt đối nhưng đảm bảo phải thu thập được giá đất chính xác làm thông tin đầu vào. Đầu tiên là làm sao để người dân, doanh nghiệp giao dịch đất đai phải trên sàn công khai; người dân đăng ký giao dịch đất đai phải đưa ra giá đúng.

Phó Thủ tướng cho biết, phương án sắp tới là giá đất trên hợp đồng không phải là giá để tính thuế mà giá tính thuế là lấy bảng giá đất. Điều này sẽ giúp người dân không lo lắng về việc khai giá trong hợp đồng sẽ bị tính thuế.

“Bảng giá đến một lúc nào đó chúng ta xây dựng tiệm cận được với thị trường thì đấy chính là giá để thực hiện mọi mối quan hệ giao dịch giữa cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Đấy là toàn bộ ý tưởng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện”, ông Trần Hồng Hà nói.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng, khi thu thập được thông tin giá đất qua các sàn giao dịch, tạo thành cơ sở dữ liệu đất đai thì sẽ có thông số đầu vào chuẩn. Khi có dữ liệu, trên bản đồ có thể chia được đến từng thửa đất chuẩn. Khi có thửa đất chuẩn thì hoàn toàn có thể sử dụng mô hình máy tính xử lý số liệu để từ đó đưa ra giá đất chuẩn cho từng quý, từng tháng.

Nhấn mạnh quan trọng nhất là số liệu đầu vào đúng, Phó Thủ tướng nói: “Bước đi đầu tiên là chúng ta có dữ liệu, phải xác định được giá đất ban đầu. Đương nhiên sau khi có bảng giá đất, đã có một hệ thống thống kê, theo dõi sát thì hoàn toàn xác định được hệ số biến động đúng”./.

Bài liên quan
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc ngày 28/6.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất