Đại biểu Quốc hội: “Nên tạo cơ chế cho người tín nhiệm thấp chủ động từ chức”

30/05/2023, 17:58

Có ý kiến đề nghị thiết kế quy định trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì vẫn nên có cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới trình miễn nhiệm.

Chiều nay 30/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Nội dung này được các đại biểu thảo luận tại tổ ngay sau đó.

Phát biểu thảo luận tại tổ, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định 96.

“Ban đầu ban soạn thảo thiết kế thời hạn là 3 tháng, nhưng quá trình lấy ý kiến, đa số đều cho rằng như vậy là quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết” – nữ đại biểu nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm" và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khác nhau. Bà giải thích, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên hoặc 2/3 tín nhiệm thấp. Nếu họ không tự từ chức thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm, theo bà, thực chất là miễn nhiệm.

Trước ý kiến e ngại, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Thanh nói, thực tiễn tổng kết 3 nhiệm kỳ qua chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cũng đồng tình bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm với người chữa bệnh hiểm nghèo, không tham gia công tác 6 tháng trở lên, vì thực tiễn có những trường hợp này và nếu Quốc hội và HĐND lấy phiếu tín nhiệm thì không phù hợp.

Liên quan hệ quả với người được lấy phiếu tín nhiệm, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM đồng tình với ý kiến trong cơ quan thẩm tra rằng, cần bổ sung cơ chế cho người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” chủ động xin từ chức, nếu không từ chức thì mới trình Quốc hội và HĐND xem xét miễn nhiệm.

“Đề nghị Quốc hội nghiên cứu thêm trường hợp này. Cán bộ được đánh giá có phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều thì cần có cơ chế, tạo cơ hội để họ chủ động nộp đơn xin từ chức là phù hợp trong điều kiện hiện nay, thay vì trình miễn nhiệm luôn” – bà Tuyết nêu quan điểm.

Đề cập căn cứ lấy phiếu tín nhiệm, ông Hoàng Phước Thắng (đoàn TP.HCM) đề nghị bổ sung kết quả thực hiện tốt kiến nghị của tổ đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu HĐND và ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội và HĐND tại đơn vị và địa phương mà người được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách. “Nếu thực hiện tốt thì chúng tôi mới căn cứ lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm” – ông nói.

Về quy định công khai kết quả trên phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu đề nghị bổ sung có kếnh thông tin chính thức từ Quốc hội và HĐND bằng cách có thông tin chính thức chậm nhất 3 ngày sau khi có nghị quyết xác nhận kết quả được thông qua. Bởi lẽ, thường sau khi lấy phiếu tín nhiệm hay có thông tin không chính thống trên mạng.

Dự thảo quy định điều cấm, trong đó có: “Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân  dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng bên cạnh yếu tố vật chất cần bổ sung thêm “tinh thần”, để tránh trường hợp hứa tặng, ủng hộ tặng bằng khen, giấy khen, chứng nhận...

Liên quan đến việc không lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND quận ở đô thị không tổ chức HĐND cấp quận như TP.HCM, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau.

Có ý kiến ủng hộ không lấy phiếu tín nhiệm vì chức danh này do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm. Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), hoàn toàn có thể đưa đối tượng này vào diện lấy phiếu.

“Trước đây khi quyết định thí điểm không tổ chúc HĐND cấp quận thì chúng ta lý giải rằng HĐND TP sẽ là cơ quan dân cử cho cử tri ở đó để giám sát. Do đó, HĐND TP có thể lấy phiếu tín nhiệm với các chủ tịch quận đó” – ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất