Đại biểu Quốc hội: Cần xử lý nghiêm nhóm "quái xế" tông tử vong cô gái ở Hà Nội

Lê Hoàng/VOV.VN | 06/11/2024, 17:47

Sau vụ cô gái bị nhóm "quái xế" đâm tử vong khi chờ đèn đỏ ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình phải xử lý nghiêm và cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, hoạt động đua xe trái phép ở các đô thị lớn như Hà Nội là rất đáng lo ngại. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn.

Theo bà Nga, hầu hết các cuộc đua xe diễn ra vào đêm muộn, đường phố vắng người, né tránh lực lượng chức năng. Các đối tượng trước khi đua xe tụ tập tự phát, sau đó rủ nhau một câu là sẽ… "lên đường". Do vậy, hầu hết phụ huynh khi được thông báo về tình trạng trên đều rất ngạc nhiên, không hề biết con mình tham gia hay có ý định như vậy. 

Đại biểu Việt Nga cho rằng, quy định pháp luật đã khá chặt chẽ, chế tài xử phạt cũng nghiêm minh. Vì vậy, nữ đại biểu lưu ý đến yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội, đặc biệt, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình. Bởi nếu đua xe đã xảy ra thì việc ngăn chặn khó khăn, thậm chí còn có hậu quả thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

"Quản lý con em ra sao khi đến đêm thuộc trách nhiệm của gia đình. Bố mẹ không thể vô can trong việc này, đặc biệt với con em vị thành niên. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh biết quy định pháp luật, nhưng lại cố tình vi phạm, vẫn giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Nếu bậc làm cha, làm mẹ, người giám hộ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục chặt chẽ, bài bản sẽ hạn chế tình trạng trên", đại biểu đoàn Hải Dương nói.

Dẫn Luật Tư pháp người chưa thành niên mà Quốc hội đang cho ý kiến, đại biểu Việt Nga cho rằng, nhiều quy định trong dự án luật mang tính nhân văn, chú trọng biện pháp xử lý chuyển hướng, tạo điều kiện cho người vị thành niên làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, đại biểu lo lắng khi báo cáo Chính phủ nêu trẻ chưa thành niên phạm tội nhiều, có xu hướng tăng lên và tội phạm ngày càng trẻ hóa.

"Với tình trạng này mà có biện pháp xử lý mềm dẻo liệu có làm gia tăng tội phạm hay không?", bà Nga nêu vấn đề.

Cần tăng cường răn đe, giáo dục

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Việt Nga, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, ngoài ý thức của một bộ phận thanh niên, khi xảy ra sự việc, nhiều bậc phụ huynh cũng "kiếm cớ" đổ tại con tự ý lấy xe đi ra đường.

"Nếu không có sự dung túng của người lớn thì con em làm sao có phương tiện đi được? Nhiều vụ việc muốn chế tài cha mẹ cũng gặp khó khăn. Do vậy, chỉ có cách là tịch thu xe, phạt thật nặng", ông Hòa nói.

Khẳng định thanh thiếu niên là người cần bảo vệ để bảo đảm tính nhân văn, nhưng theo ông Hòa, những đối tượng manh động, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông, đánh người gây thương tích thì phải xử lý thật nghiêm và "không nằm trong diện cần nhân văn".

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá từ vụ việc này cho thấy trách nhiệm của bố, mẹ trong việc giáo dục con em thực hiện pháp luật là không nghiêm túc.

Về giải pháp, theo ông Hạ, trước hết phải xử lý nghiêm, luật đã quy định rồi, phải chấp hành. Thậm chí, ông cho rằng, cần phải thu giữ xe ngay cả khi sử dụng không đúng, nghĩa là cần nâng cao hình phạt để đủ tính răn đe.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng lưu ý đến việc quy trách nhiệm của những người giao xe. Cùng với đó, cần tăng cường nhận thức trong nhà trường, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.

Ông Hạ nhấn mạnh phải có các giải pháp phòng từ xa, để các thanh thiếu niên không vi phạm pháp luật, bằng cách tăng cường giám sát, giám hộ, tăng cường giáo dục của nhà trường: "Trẻ vị thành niên là đối tượng chưa trưởng thành, tâm, sinh lý chưa hoàn thiện và tuổi này cũng rất hiếu động, dễ nổi loạn, nên cần phải có sự quan tâm, ứng xử đặc biệt".

Bài liên quan
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
VOVLIVE - Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất