Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Kardiachain giới thiệu nền tảng Blockchain cho thành phố Đà Nẵng. Trước mắt, Đà Nẵng triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP của địa phương. Trong đó, dự kiến kế hoạch triển khai nền tảng chuỗi khối riêng là Đà Nẵng Chain trong thời gian từ nay đến năm 2024. Nền tảng được kỳ vọng sẽ tương tác hiệu quả, mở rộng kết nối và minh bạch hơn trong phát triển xã hội số, kinh tế số của thành phố biển Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết: “Nâng cao nhận thức chuyển đối số là vai trò của cộng đồng, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức, đóng vai trò quan trọng quyết định. Nó không phải là ứng dụng công nghệ thông tin trước đây. Chuyển đối số xuất phát từ cơ sở, phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm”.
Trong những năm qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã chủ động, tích cực tham gia và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ; hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước; phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số của Đà Nẵng năm 2021 đóng góp 12,57% GRDP thành phố, năm 2022 đóng góp khoảng 17,5% GRDP thành phố, dự kiến năm 2025 sẽ đạt 20% GRDP; Trong đó ngành công nghiệp Công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân trên 20%/năm.
Đến nay thành phố Đà Nẵng có 3 khu Công nghệ thông tin tập trung, bao gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng và Khu Công nghệ thông tin tập trung FPT Complex.
Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên dân số đạt khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, tăng khoảng 200 doanh nghiệp so với cuối năm 2022, chỉ xếp thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh và cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước. Cụ thể, tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Tổng nhân lực công nghệ thông tin khoảng 47.500 người, chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố.
Xác định công nghệ cao là một trong những định hướng chiến lược trong quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xây dựng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia. Đây cũng là khu duy nhất ở miền Trung được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh. Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy. Thành phố cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghệ cao như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… Đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, Ban Quản lý thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn tiếp xúc, làm hồ sơ đến khi trao giấy chứng nhận đầu tư.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng đang đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp mới gồm các Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2. Trong đó Khu Công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2 đang lập thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, Khu Công nghiệp Hòa Nhơn đang điều chỉnh quy hoạch và xây dựng mô hình khu đô thị thông minh tại Khu công nghệ cao.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã bắt đầu nhận thức chuyển đổi số để phát triển là nhiệm vụ sống còn. Tuy nhiên khi thực hiện họ gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn nhân lực, nguồn vốn, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số… Do vậy, về phía Ban Quản lý, chúng tôi phải tìm kiếm các giải pháp để kết nối, xây dựng chính sách hỗ trợ từ thành phố, từ doanh nghiệp, từ các trường đại học, viện nghiên cứu, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất.”
Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin là 2 trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế thành phố.
Cụ thể hóa Nghị quyết 43 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, năm 2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành “Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư, giai đoạn 2026 - 2030 thu hút 4 tỷ USD; đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến công nghệ cao tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng đã có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị cũng như đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Thành phố cũng nhận được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đặc biệt là có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong tiến trình này.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng rất quan tâm xây dựng và đầu tư vùng dữ liệu phục vụ cho công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp và người dân. Mới đây, Đà Nẵng đã khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh thành phố.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố vừa tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Thành ủy về chuyển đổi số với các đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhất là thúc đẩy việc hình thành trung tâm sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, đưa vào hoạt động Khu công viên phần mềm số 2 và xúc tiến đầu tư các khu công nghệ thông tin tập trung, xây dựng đô thị thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số.”.