Phương Tây những ngày qua đã tăng cường hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine dù trước đó tuyên bố sẽ chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ để tránh làm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên động thái này có đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh đã sẵn sàng vượt qua “giới hạn đỏ” hay không lại là chuyện khác. Bởi cả Nga và phương Tây tới nay đều cho thấy muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện, với những hậu quả khó đoán định không chỉ đối với những nước liên quan, mà còn với cả an ninh quốc tế và khu vực.
Sau Anh, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Mỹ, Pháp hôm qua (22/4) là quốc gia mới nhất thông báo cung cấp pháo tự hành cho Ukraine, đánh dấu một bước chuyển lớn trong lập trường của nước này đối với cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow. Cho đến trước ngày hôm qua, Pháp, cùng với Đức, vẫn nằm trong số ít những quốc gia thành viên Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kiên quyết không chuyển giao vũ khí hạng nặng (súng, xe tăng, máy bay chiến đấu,…) cho Ukraine do lo ngại nguy cơ một cuộc chiến lan rộng. Một ngày trước đó, Washington đã công bố khoản viện trợ quân sự thứ 2 trị giá 800 triệu USD cho Ukraine chỉ trong vòng 10 ngày, trong đó bao gồm cả vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng.
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin mở cuộc tấn công mới nhằm vào khu vực miền Đông chiến lược tại ở Ukraine đang đặt ra bài thử nghiệm mới, khó khăn đối với các nước phương Tây. Sau khi sử dụng ồ ạt, chưa có tiền lệ sức mạnh mềm để tạo sức ép trước Nga, điển hình là các bước đi về cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đối tác giờ đây sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn về “sức mạnh cứng”. Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cảnh báo, các lực lượng vũ trang Nga có thể coi việc vận chuyển vũ khí của Mỹ và các đồng minh NATO trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố, bất kỳ bước đi liều lĩnh nào của Mỹ và các đồng minh đều có thể dẫn tới những hậu quả khó lường đối với an ninh khu vực và quốc tế:
“Chúng tôi thậm chí không muốn nói về điều đó. Bởi một cuộc đối đầu giữa Nga và NATO sẽ chỉ dẫn đến mối đe dọa lớn và những hậu quả không thể khắc phục được cho toàn lục địa”.
Dự kiến tuần tới, Mỹ sẽ chủ trì một cuộc họp tại Berlin, với sự tham gia của đại diện 20 quốc gia nhằm thảo luận về các nhu cầu hỗ trợ của Ukraine. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, viện trợ quân sự không có nghĩa là tham chiến. Mỹ và các đồng minh vẫn cho thấy khá kiềm chế trong vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine để tránh vượt qua “giới hạn đỏ” đụng độ. Minh chứng rõ nhất là việc những nước này tới nay vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào là sẽ cung cấp máy bay tiêm kích, xe tăng chiến đấu hay đưa quân tham chiến tới Ukraine. Họ hiểu rằng, một sự can thiệp sâu hơn cũng đồng nghĩa với cánh cửa ngoại giao khép lại và nguy cơ xung đột lan rộng, có thể đẩy lên thành cuộc chiến trực diện giữa NATO và Nga. Đó một kịch bản mà không bên nào mong muốn.
Tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine tới nay vẫn không đạt tiến triển bất chấp nhiều vòng đàm phán, cả trực tiếp và gián tiếp. Dẫu vậy việc các bên liên quan không từ bỏ đối thoại đã một lần nữa cho thấy cánh cửa ngoại giao vẫn chưa khép lại. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 26/4 tới sẽ đến Nga và sau đó là Ukraine nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang gây chia rẽ thế giới. Theo người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Eri Kaneko, tương lai của chủ nghĩa đa phương đang bị thách thức và ngoại giao vẫn là con đường tốt nhất:
“Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, với hi vọng có thể thảo luận về những bước đi khẩn cấp nhằm khôi phục hòa bình tại Ukraine, cũng như đảm bảo tương lai của chủ nghĩa đa phương. Bởi cả Nga và Ukraine đều là những thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc”./.