Châu Âu sẽ ra sao nếu không có khí đốt Nga trong mùa đông tới?

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Guardian | 24/06/2022, 07:18

Các nước châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang lục địa này, đặc biệt là vào mùa đông năm nay.

Nga đã bắt đầu giảm hoặc dừng hẳn cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu, khiến những nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt trước mùa đông.

Từ tuần trước, Gazprom đã giảm tới 60% lượng khí đốt vận chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), tuyến đường ống chính dẫn sang châu Âu. Điều này dẫn tới việc nguồn cung tới Italy, Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia bị giảm đáng kể. Trước đó, Nga đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt sang Ba Lan, Bulgaria, Pháp và Hà Lan.

Trong khi đó, một vụ nổ ở cơ sở khí đốt hóa lỏng (LNG) Freeport ở Texas, Mỹ - cơ sở vận chuyển khí đốt sang châu Âu – cũng ảnh hưởng đáng kể tới nguồn cung khí đốt cho “lục địa già”.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cho rằng, việc cắt giảm nguồn cung khí đốt trong những tuần gần đây của Nga có thể là sự khởi đầu của các đợt cắt giảm rộng rãi hơn nhằm ngăn chặn châu Âu dự trữ khí đốt cho mùa đông năm nay.

“Châu Âu nên sẵn sàng trong trường hợp khí đốt của Nga bị cắt hoàn toàn. Càng gần đến mùa đông, chúng tôi càng hiểu rõ ý định của Nga. Tôi tin rằng việc cắt giảm này là nhằm gây khó khăn cho châu Âu trong việc dự trữ nhiên liệu và gia tăng ảnh hưởng của Nga trong những tháng mùa đông”, ông Birol cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Châu Âu có thể tìm tới những nguồn thay thế nào?

Chính phủ các nước châu Âu hiện nay đang tìm tới Mỹ để mua khối lượng lớn LNG với giá đắt đỏ.

Anh cũng có thể là một nguồn cung cấp. London đã tận dụng cuộc khủng hoảng để tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các nước châu Âu. Số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia cho thấy, xuất khẩu hàng hóa Anh sang châu Âu tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức 16,4 tỷ bảng trong tháng 4 vừa qua, nhờ khí đốt và dầu thô được vận chuyển tới Hà Lan và Ireland.

Các nước châu Âu cũng đang tìm cách mua nhiều hơn khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan, đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Châu Âu có thể thay thế khí đốt Nga trước mùa đông?

Chắc chắn, châu Âu không thể tìm đủ nguồn cung thay thế khí đốt Nga trước mùa đông năm nay.

Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Vì thế, việc thay thế toàn bộ khí đốt Nga là bất khả thi trong thời gian ngắn. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng loại bỏ khả năng về một lệnh cấm hoàn toàn khí đốt Nga vì điều này được xem là quyết định mang tính chính trị và không thực tế.

Thay vào đó, các nước trong khu vực đang tăng tốc để lấp đầy các cơ sở dự trữ sớm hơn so với thường lệ. Các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu hiện đã lấp đầy 57%. Ủy ban châu Âu đã yêu cầu mỗi nước phải đạt tỷ lệ 80% trước tháng 11 năm nay. Riêng Đức đặt mục tiêu 90%. Tuy nhiên, nếu không có khí đốt Nga, châu Âu sẽ khó đạt được các mục tiêu này.

“Cách duy nhất để có thể đạt được tỷ lệ gần với mục tiêu đề ra là phải trả cái giá rất cao để mua khí đốt. Hiện nay Mỹ đang xuất khẩu LNG tới châu Âu thay vì châu Á là do các nước châu Âu trả nhiều tiền hơn”, ông Nathan Piper, nhà phân tích dầu mỏ và khí đốt tại Investec nhận định.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không thể thay thế khí đốt Nga?

Hậu quả nhiều khả năng xảy ra nhất là các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô sử dụng năng lượng. Ở Đức - nước nhập khẩu tới 35% nhu cầu khí đốt từ Nga, các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất thép sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị hạn chế sản xuất.

“Chính phủ sẽ áp hạn chế đối với việc sử dụng năng lượng, hoặc giá cả sẽ lên cao tới mức việc sử dụng chúng trở nên phi kinh tế. Tình hình có thể sẽ rất rối ren nếu Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt trong mùa đông năm nay, khi nhu cầu sử dụng ở mức cao. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy. Giờ đây, mắt xích đó đã bị cắt”, ông Piper nói.

Anh chỉ nhập khẩu 4% nhu cầu khí đốt từ Nga trong năm 2021 và gần như không chịu tác động về vấn đề nguồn cung. Kết hợp nguồn cung khí đốt trong nước, nguồn cung vận chuyển qua đường ống từ Na Uy và nhập khẩu LNG, Anh hiện đang ở vị thế khá thoải mái, nhưng nước này vẫn sẽ bị tác động vì giá tăng cao.

Dù vậy, Anh cũng  đang nỗ lực đẩy mạnh các lựa chọn cung cấp nội địa trong trường hợp xảy ra vấn đề về nguồn cung trong mùa đông năm nay. Các nỗ lực này bao gồm gia hạn thời gian hoạt động của nhà máy nhiệt điện than đá West Burton ở Nottinghamshire. Chính phủ cũng đã thảo luận về việc mở cửa trở lại cơ sở dự trữ khí đốt Rough ngoài khơi bờ biển phía Đông, vốn đã đóng cửa vào năm 2017.

Người tiêu dùng bị ảnh hưởng ra sao?

Người tiêu dùng châu Âu có thể sẽ không bị gián đoạn nguồn cung năng lượng, do các chính phủ sẽ hạn chế tỷ lệ sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, để ưu tiên cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, giá năng lượng, vốn đã ở mức cao, sẽ tiếp tục tăng. Theo công ty nghiên cứu Cornwall Insight, hóa đơn tiêu thụ năng lượng hàng năm dự kiến đạt mức 3.652 USD vào tháng 10 và lên tới 3.680 USD vào tháng 1 năm sau.

Nếu Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, mức giá này sẽ còn bị đẩy lên cao hơn./.

Bài liên quan
Châu Âu vẫn khát khí đốt của Nga
VOVLIVE - Gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo bắt đầu từ ngày 16/11.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất