Cơ hội phát triển du lịch khi Lễ hội Mừng cơm mới được công nhận Di sản

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung | 26/11/2023, 07:25

Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru- Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngay sau đó, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Bảo tồn và phát triển Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru - Vân Kiều gắn với việc phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào dân tộc sống trên dãy Trường Sơn, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Người Bru - Vân Kiều vui mừng khi Lễ hội Mừng cơm mới của bà con được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thế Quốc gia. Người Bru-Vân Kiều sống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung, xã Ngân Thuỷ nói riêng coi thần lúa là vị thần quan trọng nhất. Vì vậy, đồng bào rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, như lễ trỉa lúa, lễ mừng cơm mới…

Già làng Hồ Nham, ở bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, lễ hội mừng cơm mới được bà con Bru - Vân Kiều tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm. Nghi lễ được tiến hành khi vụ mùa kết thúc, chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới. Bà con cúng tạ ơn các thần linh phù hộ có một vụ mùa tốt, cầu xin thần lúa, và các vị thần sông, thần núi cho bà con vụ mùa tới tốt hơn.

“Cấp bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru- Vân Kiều, bà con hôm nay rất phấn khởi, vui mừng. Con cháu cũng trình diễn lại Lễ hội Mừng cơm mới từ xa xưa đến nay. Mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để bà con được phát triển du lịch từ lễ hội này”, già làng Hồ Nham chia sẻ.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Đây là nét văn hóa đặc sắc được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay, thường được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới.

Lễ hội có 2 phần: Phần lễ với nghi lễ có “tính thiêng” theo phong tục của dân tộc Bru- Vân Kiều và phần hội với các trò chơi dân gian, như: Xà hùa, đẩy gậy, kéo co và diễn xướng văn nghệ dân gian, làn điệu Xà nớt, Tà oải… Ngay sau lễ hội, cả bản từ người già đến trẻ em cùng ăn bữa cơm cộng đồng.

Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái, chuyên gia nghiên cứu lịch sử - văn hóa con người cho rằng, lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hoá tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hoá cộng đồng của người dân địa phương: “Ở đó đã bảo tồn những giá trị văn hóa và lịch sử lâu dài và bền vững, trao truyền qua nhiều thế hệ. Cho nên đồng bào nơi đây cho chúng ta nhìn thấy bức tranh về quá khứ của con người Việt Nam. Vì thế, các nhà khoa học trên thế giới hay đến đây để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thông qua cộng đồng các dân tộc, về phương diện văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và phương diện tổ chức cộng đồng”.

Xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan Lễ hội Mừng cơm mới là cách làm hay giúp di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Hình thức chủ yếu là phát triển du lịch lễ hội nằm trong mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Cách làm này vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, vừa góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.

Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Du lịch Netin Tralvel cho biết, công ty đã đưa các hoạt động văn hóa, hỗ trợ về cộng đồng và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Nhiều sản phẩm du lịch của chúng tôi đã đưa văn hóa của bà con Bru- Vân Kiều đưa vào để phục vụ khách du lịch và được du khách đón nhận rất cao. Để phục vụ tốt cho khách du lịch thì chúng tôi cũng hỗ trợ bà con xây dựng các homestay phục vụ du khách.

Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy" để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ngoài công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội này để phục vụ du lịch, Hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện các chính sách huy động nguồn lực; động viên, tôn vinh những nghệ nhân và chủ thể đang bảo tồn, thực hành lễ hội, xây dựng lộ trình phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, mô hình du lịch văn hóa cộng đồng lấy giá trị văn hóa cốt yếu của bà con Bru - Vân Kiều làm trọng tâm để kết nối với các điểm du lịch khác.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị để tổ chức các hoạt động đi vào chiều sâu để nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và đạt được các mục tiêu, yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra”, ông Mai Xuân Thành nói.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 2 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO đưa vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: Hát ca trù của người Việt và Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam. Tỉnh này cũng có 10 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Tỉnh Quảng Bình đang phục dựng một số lễ hội tiêu biểu, lễ hội truyền thống, từ đó nhân rộng, khuyến khích các địa phương bảo lưu giá trị văn hoá cổ truyền. Các di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Quảng Bình đều mang sắc thái độc đáo, thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của các địa phương. Đây chính là tiềm năng để phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho hay, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành sản phẩm du lịch sẽ là nguồn lực giúp nâng cao đời sống đồng bào miền núi Quảng Bình: "Chúng tôi muốn xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp giữa các nét văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều ví dụ như lễ mừng cơm mới vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hay là lễ hội trỉa lúa, để cho du khách có thể trải nghiệm nét văn hóa độc đáo ở vùng quê này".

Bài liên quan
Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024: Cơ hội phát triển du lịch
VOVLIVE - Hàng chục ngàn du khách đến tham quan, thưởng thức văn hóa ẩm thực Sen tại Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An diễn ra trong 3 ngày 29/11 - 1/12.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Mới nhất