CNN cho biết, từ lâu Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây viện trợ cho nước này các loại tên lửa tấn công tầm xa có thể đánh vào vùng hậu cần của Nga, nằm cách xa chiến tuyến. Nguồn tin của CNN nói thêm, tên lửa Storm Shadow có thể sẽ trở thành vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường nếu nhìn từ tầm tác chiến của nó.
Trước đó, từ Washington Post cũng đưa tin Bộ Quốc phòng Anh đang xem xét chuyển giao tên lửa Storm Shadow trong gói viện trợ tiếp theo.
Tên lửa Storm Shadow do Anh - Pháp phát triển từ những năm 1990 và được triển khai từ trên không. Tầm bắn của Storm Shadow ước tính vào khoảng 300km, tương đương tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.
Storm Shadow từng được sử dụng trong một số hoạt động quân sự của Anh, trong đó có cuộc tấn công trả đũa ở Syria mà Mỹ, Anh và Pháp cùng tiến hành vào năm 2018 sau cáo buộc chính quyền Damascus triển khai vũ khí hóa học ở Douma.
Tờ Washington Post cho biết, London hy vọng việc họ đi đầu trong việc viện trợ vũ khí tầm xa sẽ khiến Mỹ đổi ý viện trợ ATACMS cho Kiev.
Mỹ được cho là lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ tên lửa ATACMS và khả năng leo thang xung đột nếu Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của Nga.
CNN trích dẫn một quan chức phương Tây nói rằng, London đã “nhận được sự đảm bảo từ chính phủ Ukraine” rằng tên lửa Storm Shadow sẽ chỉ được sử dụng “trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phát biểu mới đây cho biết, chiến dịch phản công ở mặt trận phía Đông đã bị trì hoãn vì quân đội của ông vẫn cần bổ sung một số vũ khí mới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đánh giá rằng người Ukraine đã có “những gì họ cần để tiếp tục chiến dịch phản công” ở vùng Donbass.
Nhiều nhà quan sát phương Tây đã mô tả chiến dịch quân sự trên rất quan trọng đối với cuộc xung đột ở Ukraine, bởi Kiev có thể phải đối mặt với việc mất đi sự ủng hộ từ các đồng minh nếu phản công thất bại.