Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Israel tới các nước Arab có đạt kết quả kỳ vọng?

Ngọc Thạch/VOV-Cairo | 07/12/2022, 21:16

Tổng thống Israel vừa có chuyến thăm đáng chú ý đến 2 quốc gia Trung Đông là Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 2020.

Cần nhắc lại, 2 năm trước, Bahrain, UAE và Moroco đã trở thành những quốc gia Arab đầu tiên trong nhiều thập kỷ bình thường hóa quan hệ với Israel sau các cuộc đàm phán do chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu, tiến tới đạt được Hiệp định Abraham.

Trong thông điệp gửi đi trong chuyến thăm, Tổng thống Israel nhấn mạnh, xu hướng hòa bình tại Trung Đông là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang đối diện nhiều nguy cơ bất ổn. Thông điệp này đã được các đối tác Arab đón nhận ra sao, liệu có mở ra những giai đoạn hợp tác phát triển mới cho khu vực?

Trước hết có thể thấy đây là chuyến thăm lịch sử bởi lần đầu tiên một tổng thống Israel thăm Bahrain và lần thứ hai trong vòng một năm thăm UAE. Điều thấy rõ nhất trong chuyến thăm của Tổng thống Herzog và đoàn cấp cao Israel tới vùng Vịnh là một thông điệp hòa bình, cũng như cho thấy xu hướng và mong muốn của các nhà lãnh đạo, cũng như người dân trong khu vực Trung Đông về một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững. Chính nhà lãnh đạo Israel đã kêu gọi thêm nhiều quốc gia trong khu vực cùng tham gia vào mối quan hệ đối tác này, củng cố ổn định cho Trung Đông.

Thứ hai, việc bình thường hóa hay liên minh khu vực giúp các nước đạt được nhiều thỏa thuận thương mại, bao gồm cả hợp đồng về dầu mỏ, khí đốt, đầu tư, công nghệ, du lịch… Cụ thể sau Hiệp định Abraham, nhiều thỏa thuận được ký‎ kết giữa Israel với các nước, cùng nhiều chuyến thăm cấp cao song phương. Điều này được đánh giá là tích cực và có lợi cho lợi ích chung của các nước, cũng như khu vực và quốc tế. Thứ ba, các quốc gia, trong đó có Israel đã nhận thấy rõ những thách thức cả về kinh tế, an ninh, quân sự ở khu vực và quốc tế đòi hỏi sự liên minh, liên kết khu vực.

Vì vậy, Tổng thống Israel đã nói mở rộng vòng tròn hòa bình Trung Đông là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu và khu vực ngày càng gia tăng, nhất là khủng bố, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực. Thứ tư, vấn đề hạt nhân và mối đe dọa từ Iran cũng là mối quan tâm và lo ngại chung của Israel và các quốc gia vùng Vịnh. Chính vì vậy, Israel nhận thấy cần liên kết, liên minh để đối đầu với Iran, quốc gia vẫn bị Israel coi là đang phát triển vũ khí hạt nhân, có thể tấn công các quốc gia khu vực với vũ khí tên lửa đạn đạo tiên tiến.

Chuyến thăm có đạt được những kết quả như kỳ vọng?

Thực tế, quan hệ Israel, Bahrain và UAE đã phát triển tích cực trong thời gian qua. Chuyến thăm của Tổng thống Herzog là minh chứng cho điều đó. Mục tiêu của chuyến thăm là mang thông điệp hòa bình. Nhưng thực tế, chuyến thăm còn đạt được nhiều kết quả hơn. Thứ nhất, ông Herzog được các nhà lãnh đạo hai nước chào đón nồng nhiệt, được người dân hai nước ủng hộ. Lãnh đạo Bahrain và UAE đã khẳng định mong muốn và ủng hộ nỗ lực chung cùng Israel xây dựng, thúc đẩy hòa bình trong khu vực.

Thứ hai, ông Herzog và cùng các quan chức, nhà đầu tư Israel đã tham dự các diễn đàn hợp tác kinh tế song phương tại Abu Dabi, cũng như Manama. Thứ ba, Tổng thống Isaac Herzog và lãnh đạo Bahrain, UAE đã bàn thảo các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và kỹ thuật cũng như trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh niên, du lịch và văn hóa. Các bên đều khẳng định tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đối phó với các thách thức khu vực, bảo vệ an ninh và ổn định của khu vực, thiết lập quan hệ bền vững vì hòa bình, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực vì lợi ích của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, tại Abu Dabi, Israel và UAE đạt được thỏa thuận hợp tác và nghiên cứu chung về môi trường, khí hậu, thông qua vệ tinh theo dõi sự phát triển của rừng, cánh đồng và khu bảo tồn thiên nhiên, giúp các nhà khoa học hai nước đưa ra các giải pháp bảo tồn lá phổi xanh của thế giới. Ông Herzog nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng mối quan hệ đối tác này để thúc đẩy các giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu ở Trung Đông, đồng thời cho biết Israel kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia hội nghị hợp tác với Israel để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.

Hiệp định Abraham sẽ thúc đẩy hòa bình hợp tác?

Với kết quả tích cực mà Hiệp định Abraham mang lại cho các bên liên quan và khu vực, chắc chắn sẽ có thêm các quốc gia trong và ngoài khu vực thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác với Israel. Bởi thông qua sự hợp tác này, không chỉ mang lại hòa bình, ổn định cho mỗi quốc gia và khu vực mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và lợi ích chung, liên kết đối phó với những vấn đề lớn của toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh…

Các quốc gia vùng Vịnh khác cũng sẽ cân nhắc và điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình với Israel. Điều này cũng phù hợp với chính sách mà các quốc gia vùng Vịnh đang thúc đẩy hiện nay là cân bằng quan hệ, giảm phụ thuộc vào một cường quốc hoặc một trục, thúc đẩy đối thoại và quan hệ kinh tế thay bằng xung đột và đối đầu quân sự. Điều này cũng phù hợp với ưu tiên của GCC trong việc ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư của chính quốc gia mình.

Bên cạnh đó, tăng cường thương mại giữa Israel với UAE và Bahrain có thể giúp mang lại sự đảm bảo rằng các thỏa thuận theo ba hướng - với tiềm năng xây dựng liên minh và tạo ra những cơ hội chưa từng có trước đây cho người Arab và Israel - sẽ thành công. Các bên sẽ đạt được sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, giảm bớt các rào cản pháp lý và cung cấp nhiều quyền tự do di chuyển hơn cho người dân và vốn là những bước có thể dẫn đến tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội ở Trung Đông trong vòng 10 năm.

Mặc dù cuộc xung đột giữa Israel và Palestine vẫn chưa được giải quyết, nhưng những dấu hiệu hòa bình nồng ấm giữa các công dân Israel, UAE và Bahrain có thể mang lại hy vọng cho tất cả các nước tham gia Abraham. Hiệp định Abraham được cho là sẽ đóng vai trò cơ sở cho một tiến trình hòa bình toàn diện trong khu vực, thông qua bằng chứng và minh chứng trên thực địa khi hiện thực hóa những lợi ích hữu hình do quan hệ song phương, hợp tác chung trong các lĩnh vực mang lại./.

Bài liên quan
Đụng độ Israel - Palestine: 'Thùng thuốc súng' ở Trung Đông chờ phát nổ
Các vụ đụng độ giữa Israel và Palestine thường xuyên xảy ra đang cản trở các nỗ lực quốc tế nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm
Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mới nhất