
Ngay từ sáng sớm, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Nam Nha Trang đặt tại trụ sở xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang (cũ) đã đông kín người dân đến làm các thủ tục như sao y chứng thực, hồ sơ đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch. Phường Nam Nha Trang được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường Phước Hải, Phước Long, Vĩnh Trường và 2 xã Vĩnh Thái, Phước Đồng, thành phố Nha Trang (cũ). Dân số của phường hơn 130.000 người, nhu cầu giao dịch hành chính rất lớn.

Ông Hoàng Vĩnh Yên, người dân phường Nam Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho rằng, nhờ có bảng chỉ dẫn rõ ràng, cán bộ làm việc nhiệt tình nên thủ tục giải quyết nhanh.
“Thái độ phục vụ phải nói là thay đổi một cách đáng kể, người dân rất hài lòng vì thấy cán bộ thân thiện, hướng dẫn tận tình. Về vị trí địa lý, trụ sở mới gần gũi, thuận tiện hơn, thiết thực cả về thời gian đi lại và tốc độ xử lý hồ sơ. Người dân khổ lắm rồi, đi lên qua cấp trung gian thành phố (cũ) làm thủ tục thì vất vả. Nay được giải quyết ngay tại chỗ, đỡ biết bao nhiêu. Có điều, bộ phận tiếp nhận ở cấp xã giờ hơi quá tải, vì nhiều thủ tục trước đây thuộc cấp huyện, nay dồn về đây. Người dân cũng chưa có biết kê khai đơn, rất lúng túng, không có nhân viên tư vấn thì chịu", ông Hoàng Vĩnh Yên nói.
Sau sắp xếp, thành phố Nha Trang (cũ) hiện có 4 phường gồm: Nha Trang, Bắc Nha Trang, Tây Nha Trang và Nam Nha Trang với tổng dân số hơn 500.000 người. Dân số đông tạo áp lực cho bộ phận một cửa tại phường, hồ sơ hành chính tăng nhanh. Phường Tây Nha Trang được hình thành từ 6 phường, xã cũ gồm: Ngọc Hiệp, Phương Sài, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Trung. Mỗi ngày, tại Trung tâm phục vụ hành chính công của phường tiếp nhận khoảng 300 lượt người đến giao dịch, số hồ sơ đủ điều kiện xử lý tăng dần qua từng ngày. Cán bộ phải tăng ca, tiếp nhận luân phiên. Lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân lấy số thứ tự, khai hồ sơ và cập nhật tên gọi mới.
Chị Mai Thị Thu, đoàn viên phường Tây Nha Trang, cho biết: “Giờ nhiều người vẫn quen gọi địa danh cũ, như xã Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Ngọc…, trong khi bây giờ đã đổi thành phường Tây Nha Trang, mình phải hướng dẫn bà con. Tờ khai hay giấy tờ gì thì cũng phải ghi là phường Tây Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chứ không khai theo tên xã cũ như khi trước. Qua đó, cũng giúp bà con cập nhật luôn. Mình phải nhắc bà con, nhất là mấy cô chú lớn tuổi, để cập nhật đúng".

Sau khi sắp xếp, một số xã, phường mới của tỉnh Khánh Hòa có diện tích rộng, trụ sở phường, xã còn xa khu dân cư. Đơn cử như phường Tây Nha Trang, trụ sở mới nằm ở ngoại thành, trong khi dân cư chủ yếu sống tại trung tâm, gây bất tiện. Tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường cán bộ chuyên môn từ các ngành như thuế, tài nguyên – môi trường xuống các xã, phường để xử lý hồ sơ tại chỗ. Các địa phương ứng dụng mạnh công nghệ trong xử lý hồ sơ. Hệ thống E-Office tích hợp KPI, đối chiếu văn bản tự động giúp tiết kiệm thời gian, giảm sai sót. Thủ tục được mã hóa QR, người dân có thể tra cứu và nộp hồ sơ trực tuyến.

Ông Nguyễn Chí Danh, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Nha Trang cho biết, phường đã chia luồng hồ sơ theo từng lĩnh vực, bố trí cán bộ linh hoạt, giải quyết dứt điểm, không để người dân phải quay lại nhiều lần. “Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện nay hơi quá tải. Vì thủ tục hành chính trước đây của huyện, của tỉnh cũng đã chuyển xuống xã để giải quyết. Cho nên lượng hồ sơ rất lớn, người dân đến giao dịch đến rất đông. Một số quy định mới anh em chưa kịp nắm bắt, nên vừa đọc, vừa cập nhật, vừa phân loại, vừa học, vừa hướng dẫn cho người dân những cái mới nhất", ông Nguyễn Chí Danh nói.
Đánh giá sau một tuần vận hành, mô hình chính quyền hai cấp ở Khánh Hòa đã đi vào nền nếp, giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục rườm rà và tiếp cận dịch vụ công ngay nơi cư trú. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam nhấn mạnh, mọi thay đổi lớn đều gây lo lắng ban đầu. Nhưng nếu bộ máy chủ động, cán bộ lắng nghe, quy trình rõ ràng thì người dân sẽ đặt niềm tin. Tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện từng khâu để phục vụ người dân tốt nhất, đặc biệt ở cấp xã. Cùng với đó, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai chương trình "Chính quyền không giấy" từ 15/7 đến 15/8, với các hoạt động như "Ngày không in giấy", "Tuần làm việc không văn bản giấy". Trong thời gian này, các đơn vị sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử, chữ ký số, hệ thống quản lý trực tuyến, hướng tới nền hành chính hiện đại, tiết kiệm.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại cấp xã, nơi áp lực công việc lớn và văn bản thay đổi thường xuyên. AI sẽ giúp cán bộ cập nhật quy định, xử lý hồ sơ nhanh, chính xác, tạo thuận lợi rõ rệt cho người dân.
“Thời đại công nghệ thông tin rồi, mình phải ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cấp xã hoạt động tốt hơn. Theo tôi, nên dùng cả công nghệ AI để hỗ trợ cán bộ cập nhật văn bản. Mình biết được văn bản nào mới, mức độ áp dụng thế nào, thì xử lý sẽ nhanh, chính xác. Làm vậy thì vừa tiết kiệm thời gian, vừa hiệu quả, lại tiện ích cho người dân”, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.