"Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ mai sau nếu lãng phí nguồn lực dân số vàng"

Nhóm PV/VOV.VN | 31/10/2022, 19:15

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với một lực lượng lao động hùng hậu. Nếu không có chính sách để phát huy lực lượng lao động hùng hậu đó sẽ là lãng phí rất lớn.

Thảo luận về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), cho rằng, với lực lượng lao động hùng hậu (51,5 triệu người), đang ở trong thời kỳ dân số vàng, nhưng chất lượng lao động chưa cao (lao động qua đào tạo mới chiếm 67%, tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ mới đạt 27%), nếu không có chính sách để phát huy lực lượng lao động hùng hậu đó sẽ là lãng phí rất lớn.

Nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định năng suất lao động; năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia, vì theo tính toán của ILO, năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Vì thế, theo đại biểu Nghĩa, cần phát huy tối đa lợi thế dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tích lũy để có nguồn lực ứng phó với thời kỳ dân số già, sau thời kỳ dân số vàng sẽ là thời kỳ dân số già.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực vào báo cáo giám sát, đồng thời bổ sung các giải pháp để phát triển tối đa lợi thế thời kỳ dân số vàng, để chuyển dân số từ vàng về số lượng sang vàng về chất lượng.

Cụ thể, theo đại biểu, cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030; chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030; xây dựng Đề án thu hút trọng dụng nhân tài; nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công; nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục, nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu; ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; xây dựng chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam và từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Đặc biêt, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị xã hội. Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về gắn bó và hết mình cống hiến với quê hương, đất nước.

“Chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau, nếu không có các chính sách chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm hiệu quả và phát huy tối đa tài sản, nguồn nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ dân số vàng”, đại biểu kiến nghị.

Đừng để lãng phí nguồn lực cán bộ

Đồng tình với việc xử lý cán bộ sai phạm như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “không thể không làm, không có cách nào khác, tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), ở một khía cạnh khác, để có được một cán bộ cấp cao, không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo.

Điều đáng nói theo đại biểu Nhân, là liệu cơ chế chính sách hiện hành đã thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ công chức khỏi thấm nhiễm, cám dỗ của vật chất để họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm đúng và đúng ngay từ đầu?

Theo ông, chúng ta đã xây dựng một lực lượng phòng, chống tham nhũng, nhưng các chính sách xoay quanh nó chưa đủ mạnh để cán bộ, công chức có thể sống được bằng lương và để họ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.

“Dĩ nhiên, phẩm chất đạo đức được hình thành quan trọng nhất trong giai đoạn giáo dục của gia đình, nhà trường để con người đủ sức đề kháng trước thói hư, tật xấu. Nhưng nếu giáo dục chưa đủ mạnh để nuôi cấy vào tâm thức những giá trị cao đẹp cũng như dũng khí còn chông chênh trước những kẻ xấu thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế”, đại biểu nêu quan điểm./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất