Chưa hết khổ vì ế ẩm, nông dân lo thua thiệt vì tranh chấp giống thanh long

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM | 11/07/2022, 07:23

Hai năm qua, nông dân Long An điêu đứng vì thanh long mất giá, tiêu thụ khó khăn. Chưa dừng lại ở đó, khó khăn chồng thêm khó khăn khi từ năm 2020, giống thanh long ruột đỏ LD1 vướng quyền bảo hộ giống giữa nông dân với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit.

Hai năm qua, nông dân Long An điêu đứng vì thanh long mất giá, tiêu thụ khó khăn. Chưa dừng lại ở đó, khó khăn chồng thêm khó khăn khi từ năm 2020, giống thanh long ruột đỏ LD1 (có tên khoa học Hylocereus undatus và Hylocerus costaricensis) vướng quyền bảo hộ giống giữa nông dân với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Long An, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thanh long trên địa bàn

Nông dân mất quyền xuất khẩu thanh long LD1

Ông Nguyễn Vạn Thành ở xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An là một nông dân trồng thanh long kỳ cựu và cũng là người chuyên thu mua thanh long để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo ông Thành, năm 2011 ông mua giống thanh long ruột đỏ LD1 của Viện Cây ăn quả miền Nam và trồng từ năm 2012. Đến năm 2020, Viện Cây ăn quả miền Nam bán giống này cho Hoàng Phát Fruit và công ty này đã đăng ký quyền bảo hộ giống.

Cũng từ ngày giống thanh ruột đỏ LD1 bị quyền bảo hộ giống chi phối, việc sản xuất và kinh doanh trên địa bàn bị đảo lộn, khó khăn hơn. Nông dân không thể xin được mã vùng trồng và mã giống để mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh thị trường các nước ngày càng siết chặt các quy định. Tại Long An, diện tích nông dân trồng thanh long ruột đỏ LD1 hiện đã lên tới trên 12.000 ha.

Ông Thành cho rằng: "Cái sai bắt đầu từ Viện Cây ăn quả, một khi bán giống ra cho dân trồng rồi thì không được quyền bán bản quyền cho công ty này công ty kia nữa. Tỉnh Long An thì muốn gỡ bản quyền nhưng ngành chức năng đã cấp bản quyền bảo hộ giống cho công ty Hoàng Phát. Giờ tỉnh muốn tháo gỡ cũng khó. Tỉnh phải kiến nghị lên trên, rồi Bộ tháo gỡ để xem xét thu lại, mà không biết có thu lại được không".

Theo một số doanh nghiệp, vấn đề này không chỉ gây khó cho nông dân, HTX, doanh nghiệp tại Long An, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang tiêu thụ, xuất khẩu thanh long ở vực Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng, Trưởng điều hành Công ty TNHH Chế biến trái cây Zasaka ở Bình Dương, công ty đã gởi đơn xin mã vùng trồng, mã giống thanh long ruột đỏ nhưng hơn 2 tháng chưa được cơ quan chức năng giải quyết với lý do người khác đang có chứng nhận bảo hộ giống này. Theo ông Dũng, hiện thanh long ruột đỏ LD1 xuất sang Hàn Quốc phải có mã vùng trồng, để đăng ký với bên kiểm dịch... Tuy nhiên thanh long ruột đỏ LD1 bị bảo hộ giống rồi thì không ai cấp mã vùng trồng. 

"Nên từ khi công ty Hoàng Phát mua giống mang đi bảo hộ thì đúng vào thời điểm thị trường Hàn Quốc mở cửa cho thanh long Việt Nam vào. Do đó gặp khó khăn, rào cản và chỉ mỗi công ty Hoàng Phát độc quyền. Còn nông dân, nhà máy và những công ty khác đều bít cửa" - ông Nguyễn Trọng Trung Dũng cho biết thêm.

Cùng 1 giống bán 2 lần – Viện cây ăn quả miền Nam nói gì?

Lý giải về việc vì sao Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán giống thanh long trước đó rồi gần chục năm sau lại bán và đồng ý cho Công ty Hoàng Phát sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống, TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: bán để có tiền nuôi hoạt động nghiên cứu giống của Viện.

Ông Thoại cũng khẳng định, trong quá trình trồng khảo nghiệm, trước đó Viện chỉ bán một phần nhỏ giống. Việc nông dân tự cắt nhân giống, tự ý bán cho nông dân khác mở rộng diện tích trồng là không đúng. Năm 2017, diện tích thanh long ở huyện Châu Thành, Long An tăng vọt lên hơn 7.000 ha, chủ yếu là thanh long LD1 nay đã tự nhân giống tự trồng đến hơn 12.000 ha.

"Bây giờ sản xuất cần đi vào Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó bảo hộ bản quyền, bảo hộ giống cây trồng chứ không phải cứ trồng một chút rồi tự cắt, phát đại trà - như vậy là không đúng. Doanh nghiệp đăng ký bảo hộ 5 tỷ đồng cho chúng tôi, theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ chúng tôi cũng nộp cho ngân sách nhà nước rồi một phần phục vụ lại cho nghiên cứu. Chứ giống nghiên cứu đâu phải ai cũng dùng “chùa” ai muốn trồng thì trồng... Giờ doanh nghiệp cứ đàm phán với Hoàng Phát 1-2 cen cho một kg hay bao nhiêu thì tự thỏa thuận" - ông Thoại nêu rõ.

Xoay quanh việc dư luận cho rằng, Công ty Hoàng Phát Fruit, Long An chiếm độc quyền giống thanh long ruột đỏ LD1, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho rằng, để có thị trường ổn định, chất lượng được đảm bảo thì cần phải có sự bảo hộ về giống. Thực tế việc thời gian qua trồng tràn lan, thiếu kiểm soát đã gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến giá cả bấp bênh, thị trường thiếu sự ổn định. Rất nhiều bài học từ việc bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ về giống gây thiệt hại không nhỏ.

Ông Huy khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với nông dân trồng loại thanh long này và bao tiêu trên 5.000 tấn mỗi năm cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ.

"Hiện nay hợp tác với bà con trồng những giống mà chúng tôi đưa ra thì chúng tôi bao tiêu từ 25.000 - 35.000 đồng/kg để xuất khẩu. Còn ai không hợp tác thì vẫn bình thường, họ vẫn bán sang Trung Quốc, Indonesia... Nhưng giá thị trường hay bấp bênh, chứ chúng tôi đâu có làm khó khăn, ngăn cản ai. Để xuất khẩu cạnh tranh thế giới thì mình cần chất lượng chứ không cần số lượng nữa. Nếu cứ mãi trồng theo số lượng thì bà con mãi vẫn nghèo chứ không khá lên được" - ông Huy nhấn mạnh.

Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có việc bảo hộ bản quyền, bảo hộ giống cây trồng đối với nông sản Việt Nam là hướng đi tất yếu và rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thanh long Long An, trước khi giống thanh long DL1 do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu được bảo hộ giống, nông dân đã trồng giống thanh long này khoảng chục năm.

Nếu bán ngay ban đầu khi làm giống, rồi làm bảo hộ không vấn đề gì. Tuy nhiên lâu nay, Viện đã bán giống ra ngoài trồng rất nhiều, mà lại bán cho doanh nghiệp bảo hộ giống, thì chắc chắn nhiều nông dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Do đó cần có những buổi trao đổi cụ thể để làm rõ vấn đề, giúp nông dân, doanh nghiệp có những thuận lợi khi xuất khẩu nông sản trong thời gian tới./.

Bài liên quan
Bí thư Đồng Nai: Sân bay Long Thành là động lực phát triển mới của Đông Nam Bộ
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ là một trong những động lực phát triển mới của tỉnh và toàn vùng Đông Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất