Chủ tịch Trung Quốc thăm Saudi Arabia: Xác lập “cột mốc mới” cho quan hệ hai bên

Bích Thuận - Ngọc Thạch/VOV | 09/12/2022, 08:08

Một trong những sự kiện quốc tế đang thu hút sự chú ý của giới quan sát là chuyến công du Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau 6 năm.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự ba Hội nghị Thượng đỉnh nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia vùng Vịnh, vốn đã và đang trở nên toàn diện, chứ không chỉ hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ.

Với một lịch trình dày đặc các sự kiện quan trọng cùng nhiều thỏa thuận dự kiến được ký kết, chuyến công du của ông Tập Cận Bình được cho sẽ xác lập một “cột mốc mới” cho quan hệ Arab - Trung Quốc và tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực ở Trung Đông.

Thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới Arab

Thực tế, không phải đến bây giờ, Trung Quốc mới đặt nhiều sự quan tâm đến khu vực Trung Đông địa chiến lược. Trung Quốc luôn duy trì mức độ quan tâm chiến lược cao đối với khu vực Trung Đông và các quốc gia Arab, nhưng trong vài thập kỷ qua Bắc Kinh dường như không có nhiều cơ hội để biến mối quan tâm này thành hiện thực.

Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng coi trọng bố cục chiến lược tổng thể với các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, hàng năm hai bên đều tổ chức các cuộc trao đổi trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các cuộc họp cấp bộ trưởng định kỳ. Ngày 3/12 vừa qua, Trung Quốc đã công bố “Báo cáo hợp tác Trung Quốc - Arab trong thời đại mới”, làm rõ mô hình hợp tác toàn diện, đa tầng cấp và rộng rãi giữa hai bên, nhằm chung tay xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Arab" hướng tới thời đại mới.

Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc dẫn dắt cũng đã mở rộng từ Trung Á sang các nước Trung Đông, với việc có thêm các “đối tác đối thoại” là Saudi Arabia, Ai Cập và Qatar, trong khi Iran đang chuẩn bị gia nhập.

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào một thời điểm và bối cảnh có thể nói là có lợi cho Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có xu hướng “thu hẹp chiến lược” trong chính sách đối với Trung Đông, thể hiện qua việc rút quân khỏi Afghanistan và Syria. Quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ gia tăng căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ chính sách năng lượng đến an ninh khu vực và nhân quyền.

Trong khi đó, để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Saudi Arabia đã xây dựng “Tầm nhìn 2030” và có kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp ô tô, nghiên cứu và phát triển khí tài quân sự cũng như thị trường dịch vụ phân phối và xây dựng một thành phố tương lai (NEOM). Đây chính là những thế mạnh của Trung Quốc và hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty nước này.

Nói như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, các hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Trung Quốc và các nước Arab sẽ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai bên, tiếp nối truyền thống hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước Vùng Vịnh, làm phong phú hơn nội hàm chiến lược của quan hệ giữa hai bên và thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao mới. 

Cán cân quyền lực tại Trung Đông

Gần đây, sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông đang giảm dần. Đồng minh Saudi Arabia và Mỹ cũng gia tăng căng thẳng do bất đồng về vấn đề năng lượng; trong khi đó mối quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới Arab ngày càng được nâng cấp.

Cục diện tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Các nước có sự điều chỉnh chính sách để đảm bảo các lợi ích cốt lõi của mình, cũng như cân bằng quan hệ trong khu vực và quốc tế. Trong chiến lược ngắn hạn, Mỹ có thể giảm sự can thiệp hoặc hiện diện ở Trung Đông nhưng trong chiến lược dài hạn và lâu dài chắc chắn Mỹ sẽ không giảm vai trò và ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực vì những lợi ích địa chính trị.

Trước câu hỏi liệu chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc tới Arab Saudi có phải là một thách thức trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực hay không, đặc biệt là sau tuyên bố của Tổng thống Joe Biden rằng đất nước của ông sẽ không rút khỏi khu vực hoặc đang để lại một khoảng trống cho các cường quốc khác, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - ông John Kirby nói rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài đi khắp thế giới và có quan hệ song phương, đồng thời cho biết Mỹ không yêu cầu nước khác lựa chọn giữa họ và Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào, Mỹ tôn trọng các bạn bè và đối tác. Ông Kirby giải thích Mỹ đang tập trung vào các mối quan hệ và lợi ích an ninh ở Trung Đông, ở cấp độ song phương và đa phương. Mỹ có rất nhiều vấn đề liên quan ở Trung Đông, không chỉ an ninh năng lượng.

Đúng là trong thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và các nước Arab hàng đầu có những rạn nứt, căng thẳng. Mỹ có những chính sách và hành động khiến các đồng minh đang dần mất đi sự tin cậy và buộc họ có những thay đổi trong các chính sách đối ngoại, tìm kiếm những nền tảng mới. Có thể thấy trong năm 2022 này, lần lược các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc đã thăm các quốc gia Arab. Chương trình nghị sự và lợi ích của các quốc gia ở Arab đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách ở các siêu cường trên thế giới, trong đó “giá năng lượng”, “an ninh lương thực”, “các thỏa thuận vũ khí” “phát triển” và “an ninh” được xử lý theo các tiêu chuẩn, ưu tiên, quan hệ đối tác và mối quan hệ có tính chất mới.

Các quốc gia Arab đang ưu tiên cho lợi ích của người dân. Họ có tầm nhìn toàn diện, chương trình thiết thực và kế hoạch cho nhiều thập kỷ tới. Các cường quốc quốc tế phải điều chỉnh chính sách của mình với những thực tế quan trọng này thông qua các quy tắc mới và cán cân quyền lực đang thay đổi. Những phương trình mới và những cân bằng quyền lực khác nhau sẽ tồn tại trong bất kỳ cuộc xung đột quốc tế hoặc khu vực nào trong tương lai.

Sự thay đổi ảnh hưởng của Trung Quốc

Dù thời gian hợp tác chưa lâu và vẫn còn hạn chế trong một số lĩnh vực, song quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Arab đã ngày càng thắt chặt hơn trong những năm gần đây.

Trong lĩnh vực kinh tế, đa số các nước Arab đều tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc. Năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp hai chiều giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab đạt 27 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với 10 năm trước; kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 330,3 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với 10 năm trước. 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai bên tiếp tục đạt 319,2 tỷ USD, tăng 35,28% so với cùng kỳ và gần bằng mức của cả năm 2021.

Về hợp tác khoa học công nghệ, Trung Quốc ngày càng thể hiện được sức mạnh của một cường quốc đang trỗi dậy và thu hút sự quan tâm của các nước Arab. Trong lĩnh vực 5G, các công ty Trung Quốc đã trở thành đối tác hợp tác chính ở các quốc gia này, với việc chiếm thị phần cao ở Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman và Bahrain.

Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, các công ty Trung Quốc đã ký thỏa thuận sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với UAE, Saudi Arabia và Sudan, đồng thời đạt được ý định thư hợp tác trong các lĩnh vực như thăm dò quặng urani, cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.

Trong lĩnh vực vệ tinh hàng không vũ trụ, Trung Quốc đã thiết lập một cơ chế hợp tác với các nước Arab mang tên Diễn đàn hợp tác Bắc Đẩu Trung Quốc - Arab, khánh thành trung tâm nước ngoài đầu tiên của hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu ở Tunisia và ký kết nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh và hàng không vũ trụ với Angeria, Sudan, Ai Cập và Saudi Arabia.

Bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đánh giá sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Arab lần thứ nhất là hành động ngoại giao cấp cao nhất và quy mô lớn nhất giữa Trung Quốc và thế giới Arab kể từ khi nước này thành lập. Sự kiện này sẽ trở thành cột mốc mang ý nghĩa thời đại trong lịch sử phát triển quan hệ giữa hai bên. Theo bà, việc tổ chức hội nghị là một "lựa chọn chiến lược để hai bên tăng cường đoàn kết và hợp tác trong tình hình hiện nay".

Bà cũng cho biết, phía Trung Quốc mong muốn qua hội nghị này hai bên sẽ cùng nhau trao đổi về các kế hoạch lâu dài trong sự phát triển quan hệ Trung Quốc - Arab, cùng nhau vạch ra quy hoạch chi tiết cho hợp tác giữa hai bên trong tương lai, củng cố hơn nữa sự đồng thuận chiến lược giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab về các vấn đề quốc tế và khu vực lớn, phát đi tiếng nói mạnh mẽ về tăng cường đoàn kết và phối hợp, kiên định ủng hộ lẫn nhau, thúc đẩy phát triển chung và bảo vệ chủ nghĩa đa phương, định hướng đường lối và đưa ra các biện pháp thiết thực tập trung xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - Arab trong thời đại mới.

Có thể thấy, Trung Quốc đang đem đến cho thế giới Arab nhiều sự lựa chọn hơn trong hợp tác trên các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kinh tế thương mại, phát triển khoa học công nghệ và đang dần trở thành đối tác ngày càng quan trọng của các quốc gia này. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Saudi Arabia cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Arab lần thứ nhất, sẽ là những điểm nút quan trọng trong tiến trình hợp tác giữa hai bên. Có thể nói, sự tương tác và hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab trong thời đại mới đang dần đi vào chiều sâu./.

Bài liên quan
Mỹ tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại châu Phi
Phó Tổng thống Mỹ Harris đang công du dài ngày đến 3 quốc gia châu Phi gồm Ghana, Tanzania và Zambia. Chuyến công du được đánh giá là bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược tăng cường quan hệ với châu Phi của chính quyền Tổng thống Biden, vốn được tăng tốc hồi tháng 12/2022 với Thượng đỉnh Mỹ-châu Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất