Mỹ và châu Phi đều đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này khi đây được xem là một phần trong cam kết của Tổng thống Joe Biden trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ châu Phi vào cuối năm 2022, “Mỹ sẽ đặt cược toàn bộ vào châu Phi”.
Tuy nhiên, với bối cảnh địa chính trị đã có nhiều thay đổi so với chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ Obama cách đây đúng 10 năm, chuyến thăm của bà Harris được dự báo đối mặt không ít thách thức.
Chuyến công du với nụ cười và những tờ séc nặng ký
Có thể thấy rằng điều quan trọng nhất trong hành trang mà Phó Tổng thống Kamala Harris mang đi trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên này chính là “cam kết lâu dài” của Mỹ đối với lục địa đen. Mặc dù đây là chuyến thăm chính thức cấp cao nhất đến khu vực nhưng không phải là lần đầu tiên Chính quyền Tổng thống Biden cử các quan chức cấp cao đến khu vực này.
Trước đó, Đệ nhất phu nhân Jill Biden và hàng loạt các quan chức Mỹ như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cũng đã thực hiện nhiều chuyến công du đến các nước khu vực. Dự kiến, vào cuối năm nay, Tổng thống Mỹ Biden cũng có kế hoạch thăm chính thức châu Phi. Chính vì thế, bản thân chuyến thăm của Phó Tổng thống cũng nhằm mục đích chứng minh rằng chương trình nghị sự của Mỹ đối với khu vực là ổn định và chắc chắn.
Điều thứ hai trong hành trang của bà Harris là những khoản viện trợ khổng lồ cho khu vực. Ngay trước thềm chuyến thăm, Mỹ đã tuyên bố khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ các nước giải quyết quan ngại về an ninh khu vực cũng như cam kết tăng cường viện trợ trong nhiều sáng kiến khác. Ngay trong chặng dừng chân tại Ghana, bà Harris cũng tuyên bố sẽ đưa khoản viện trợ trị giá 139 triệu USD cho nước này vào ngân sách năm tài khóa 2024. Đây là những động thái của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đáp ứng những nhu cầu ưu tiên nhất hiện nay của các nước khu vực.
Và điều thứ ba, không thể thiếu là các cam kết của Mỹ củng cố quan hệ đối tác trên khắp châu Phi và thúc đẩy những nỗ lực chung về an ninh và thịnh vượng kinh tế. Theo giới chức Mỹ, các cam kết lần này không giống như trước đây, khi là các cam kết về quan hệ đối tác, không phải là việc Mỹ có thể làm gì cho châu Phi mà là việc Mỹ có thể làm gì với châu Phi. Cụ thể hơn, đó không phải là mối quan hệ áp đặt các giải pháp, không chỉ là viện trợ nước ngoài hay hỗ trợ nhân đạo mà là đầu tư lẫn nhau, tăng trưởng kinh tế cùng nhau với quan hệ đối tác sáng tạo và kết nối sâu sắc.
Sứ mệnh cài đặt lại quan hệ với châu Phi không dễ dàng
Vấn đề đầu tiên mà Phó Tổng thống Mỹ phải đối mặt chính là chủ nghĩa hoài nghi của châu Phi. Trong lịch sử, Mỹ thường can dự của vào châu Phi thông qua các nước có vai trò quan trọng và nền kinh tế mạnh trong khu vực để duy trì ổn định và phát triển kinh tế.
Về chính sách chung, Mỹthường coi các nước châu Phi như những trường hợp “làm từ thiện” và xu hướng này thể hiện rõ nét nhất dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Trump. Không chỉ phớt lờ lục địa đen, Tổng thống Trump còn nhiều lần chê bai các nước khu vực với những từ ngữ không mấy tốt đẹp về mặt ngoại giao. Giới quan sát cũng cho rằng, chuyến thăm của bà Harris dù có thành công đến mức nào thì cũng khó có thể nhanh chóng sửa chữa quan hệ với châu Phi và xây dựng mối quan hệ ổn định và tốt đẹp trong một sớm một chiều.
Bên cạnh đó, các nước điểm đến trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ lần này đều đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Cả Ghana, Zambia và Tanzania đều đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính với các mức độ nghiêm trọng khác nhau trong nhiều thập kỷ. Ghana và Zambia đang phải vật lộn với việc cơ cấu lại các khoản nợ trong bối cảnh lạm phát tăng vọt lên mức 50% và cần sự hỗ trợ của cả các thể chế tài chính quốc tế. Giới quan sát cũng cho rằng, các khoản viện trợ ít ỏi và trong dài hạn của Mỹ khó có thể mang lại những tác động tích cực ngay lập tức, giảm bớt khó khăn tài chính của các nước này.
Một vấn đề nữa cũng là rào cản đối với thành công trong chuyến thăm lần này là ý đồ thực sự của Mỹ đối với khu vực. Trong khi giới chức Mỹ liên tục khẳng định chuyến thăm của bà Harris là nhằm xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi thì không ít quan điểm cho rằng động thái này của Mỹ là nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của chính nước này.
Chính quyền Tổng thống Biden đang muốn xây dựng một nước Mỹ “xanh, sạch” nhưng lại không thể thiếu các loại khoáng sản, đất hiếm… vốn rất dồi dào và chưa được khai thác tại châu Phi. Để sản xuất ắc-quy xe điện, tuốc-bin điện gió, tấm pin mặt trời hay công nghiệp bán dẫn… Mỹ cần những nguồn cung mới nhằm ổn định chuỗi cung ứng, tách khỏi Trung Quốc. Hay nói cách khác, bà Harris đến châu Phi với các ý tưởng mới và những khoản viện trợ lớn cũng chỉ nhằm đổi lại những nguồn khoáng sản và đất hiếm.
Mỹ không chỉ cạnh tranh mà còn muốn vượt qua các đối thủ
Chuyến thăm của bà Harris đến châu Phi không chỉ nhằm mục đích tái thiết đặt quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực mà còn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với các nước khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Mỹ đang cố gắng thể hiện chính sách châu Phi của mình như là một chính sách dựa trên các mối quan hệ lâu dài thay vì một động thái ngắn hạn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và cắt đứt các nguồn hỗ trợ kinh tế cho Nga. Tuy nhiên, chính các quan chức Mỹ cũng thừa nhận những quốc gia được xem là đối thủ toàn cầu này có ảnh hưởng quan trọng đến quan điểm chính sách đối với châu Phi.
Trong cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm, giới chức Mỹ đã khẳng định không có gì bí mật khi Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc và dự định vượt qua Trung Quốc trong dài hạn. Mỹ cũng cho rằng, khu vực Tây Phi, đặc biệt là Tanzania đang phải đối mặt với nguy cơ mất ổn định khi các lực lượng cực đoan đang trỗi dậy. Trong đó, hoạt động của lực lượng Wagner, bị Mỹ cáo buộc do Nga hậu thuẫn, ở một số nước đang được mở rộng có thể biến khu vực thành chiến trường xung đột giữa các nước lớn. Mỹ được cho là đang ở thế bất lợi và tụt hậu so với Trung Quốc trong cạnh tranh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác nguyên liệu thô; ảnh hưởng về an ninh cũng đang giảm mạnh khi một số nước châu Phi đang yêu cầu Pháp, đối tác của Mỹ, rút quân khỏi khu vực.
Hoạch định một chương trình nghị sự lâu dài, ổn định và chắc chắn với châu Phi, có lẽ Mỹ sẽ khó rút ngắn khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực trong thời gian ngắn. Chính quyền Tổng thống Biden dường như cũng không quá kỳ vọng vào những bước “bứt tốc” trong quan hệ với châu Phi khi khẳng định, không bắt châu Phi phải chọn bên mà mang thêm cơ hội lựa chọn cho các nước khu vực.
Để có được các kết quả cụ thể, có lẽ các nước châu Phi cũng sẽ chờ đợi thêm những hành động cụ thể của chính quyền Biden, thậm chí là xu hướng chính sách của Mỹ sau kỳ bầu cử Tổng thống vào năm tới. Mặc dù kết quả ảnh hưởng của Mỹ có thể chỉ rõ ràng trong dài hạn khi cạnh tranh tại châu Phi không chỉ là cuộc chiến với Nga và Trung Quốc mà còn một số quốc gia khác như Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Saudi Arabia… và xu hướng này đang ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, một số điều mà Mỹ có thể đạt được ngay trong chuyến thăm lần này của bà Harris sẽ là niềm tin của các nước khu vực, mở rộng cơ hội tiếp cận cho các doanh nghiệp Mỹ đối với các nguồn cung như khoáng sản, đất hiếm… và một số lĩnh vực khác./.