Chủ tịch Quốc hội: Tránh tình trạng ĐBQH thảo luận nhưng 'đọc bài viết sẵn'

Anh Văn | 23/04/2025, 14:00

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần nâng cao chất lượng thảo luận của Quốc hội, tránh lan man và tránh tình trạng "bài viết sẵn rồi đọc ở hội trường".

Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/4.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sửa đổi và nội quy kỳ họp Quốc hội chỉ ở mức tương đối, chứ không nên cầu toàn, tuyệt đối.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ, quy định mỗi đại biểu chỉ phát biểu thảo luận 7 phút thì tùy tình hình chủ tọa điều hành có thể giảm xuống 5 phút. Ngược lại, tùy vào tình hình, nếu phiên thảo luận ít đại biểu đăng ký, thì chủ tọa có thể nâng lên 7 phút.

Về quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội thống nhất giữ nguyên quy định về bầu, phê chuẩn chức danh trong bộ máy Nhà nước vì đây là quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Nhấn mạnh việc tăng cường tính công khai, minh bạch, Chủ tịch Quốc hội gợi ý sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận liên quan tới người dân để truyền tải các nội dung thảo luận tới đại biểu Quốc hội và cử tri.

"Tôi thấy cần nâng cao chất lượng thảo luận, quy định thời gian, tránh lan man, đảm bảo mỗi ý kiến đều tập trung vào trọng tâm vấn đề. Có những buổi thảo luận một buổi nhưng có mấy vấn đề thôi, khi đại diện ban soạn thảo lên nói là rõ. Có thể điều hành vận dụng linh hoạt để chuyển sang mục khác, đỡ mất thời gian. Tránh tình trạng bài viết sẵn rồi đọc ở hội trường", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng thảo luận tại các phiên họp, tăng cường tính tương tác với cử tri thay vì việc chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.

Vấn đề kỷ luật, kỷ cương của kỳ họp, của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quy định rõ hành vi đại biểu không được làm.

"Phải quy định vào hội trường điện thoại phải chuyển chế độ rung. Quốc hội khóa XIII, XIV không bao giờ sử dụng được điện thoại, máy tính bảng trong hội trường, Quốc hội khóa XV cho sử dụng nhưng cần quy định nghiêm ngặt để không gây ồn, mất trật tự", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm trong vấn đề đại biểu nghỉ họp thường xuyên trong thời gian kỳ họp.

"Ví dụ nghỉ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày phải xin phép thế nào, nhất là với các đại biểu chuyên trách", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, trình báo cáo một số nội dung sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Ban soạn thảo đề xuất quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Một số vấn đề quan trọng khác cũng được bổ sung, chỉnh lý, như không quy định cứng về thời gian được phép kéo dài của phiên họp (nội quy hiện hành chỉ cho phép kéo dài không quá 30 phút của phiên họp buổi sáng và 60 phút của phiên họp buổi chiều).

Tài liệu cũng được yêu cầu gửi sớm hơn đến đại biểu Quốc hội, cụ thể là dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua (quy định hiện hành là 24 giờ).

Một vấn đề còn ý kiến khác nhau vẫn để 2 phương án, đó là quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.

Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về chủ thể giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình tự xem xét, thông qua đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội để bảo đảm tương thích với quy trình xem xét, thông qua các nội dung thuộc công tác lập pháp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung về kinh tế - xã hội; các nội dung này được xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp. Trường hợp dự thảo nghị quyết chưa được Quốc hội thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.

Phương án 2: Cơ bản giữ quy định về trình tự, chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành để bảo đảm tính ổn định trong quá trình thực hiện.

Tổng thư ký Lê Quang Tùng phản ánh, có ý kiến đề nghị rút gọn các quy trình tại kỳ họp liên quan đến việc bầu, phê chuẩn các chức danh của Nhà nước; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội… để tránh hình thức.

Ban Soạn thảo nhận thấy việc xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Do đó, Ban Soạn thảo xin được giữ các nội dung liên quan đến quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về phạm vi sửa đổi bổ sung và giao cho Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm rõ việc bổ sung quyền và trách nhiệm của đại biểu khi phát biểu, tham gia ý kiến bằng văn bản, kể cả việc dự họp hay vắng mặt.

Anh Văn
Bài liên quan
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc miễn học phí cho học sinh công lập
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Binh chủng Tăng thiết giáp phải thật sự là lực lượng đột kích mạnh
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Binh chủng Tăng thiết giáp phải thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là lực lượng đột kích mạnh của Lục quân QĐND Việt Nam.
Mới nhất